Vina-Giầy miệt mài 30 năm để khẳng định thương hiệu Việt

Vina-Giầy miệt mài 30 năm để khẳng định thương hiệu Việt

Vina-Giầy miệt mài 30 năm để khẳng định thương hiệu Việt

cửa hàng vina giầy tại hà nội

Sẵn sàng làm lại từ vạch xuất phát

Ông Vũ Văn Chầm (SN 1934) quê ở Hải Dương, làng Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, nơi ông sinh ra và lớn lên được lưu truyền là quê hương của 3 vị tổ sư nghề thuộc da, làm giày dép của nước ta từ đời vua Lê Thánh Tôn cuối thế kỷ thứ 15. Dòng họ của ông làm nghề giày dép và tuần tự cha truyền, con nối, đến thế hệ ông Chằm là đời thứ 18.

Là thành viên đời thứ 18 nên ông Chầm đã làm quen với nghề đo ni đóng giày từ thuở tóc còn để chỏm. Cha mất sớm, thương mẹ vất vả nên sau thời gian bôn ba, lăn lội khắp Hà Nội, Hải Phòng, năm 1952, ba anh em đưa mẹ vào miền đất hứa Sài Gòn để mở mang nghề nghiệp.

18 tuổi, bắt đầu với môi trường mới, ông đi làm công cho các chủ hiệu giày trong một thời gian ngắn để tìm hiểu thị trường. Mất 5 năm, ông cùng anh em có cửa hiệu giày Thanh Bình ở số 263, đường Phan Đình Phùng. Tay nghề giỏi, phục vụ tận tình, giày đẹp nên chẳng bao lâu hiệu giày Thanh Bình đã có hơn 200 nhân viên, sản xuất giày da chất lượng cao bán cho 50 thương hiệu giày tiêu thụ khắp các tỉnh từ Bình Trị Thiên trở vào; rồi mở lớp dạy nghề cho hơn 100 người, mua nhà, sắm xe… Thương hiệu này cũng một thời nổi tiếng khắp thế giới do được hãng giày Bata của Pháp đặt sản xuất gia công giày da chất lượng cao.

Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất, ông Chầm chấp nhận trở về vạch xuất phát. Tài sản sung vào hợp tác xã, tiêu chuẩn mỗi tháng 13 kg gạo, ông Chầm vào làm công nhân của tổ sản xuất Hoàng Diệu (quận 4), thời gian rảnh thì đặt chiếc tủ nhỏ nhận sửa chữa giày dép ở nhà, số 55, đường Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, cạnh xe bán rau má xay của vợ để cùng nuôi sống gia đình, nuôi 8 người con ăn học đàng hoàng (5 người tốt nghiệp đại học).

Đất nước đi vào công cuộc đổi mới là cơ hội lớn cho các nghề truyền thống phát triển. Năm 1990, hòa vào làn sóng đổi mới của nước nhà, Vũ Chầm bắt đầu mở cửa hàng đóng và bán giày tại số 638, đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, quận 3. Ngay khi mở cửa hiệu, ông lập tức quyết định lấy tên thương hiệu là Vina-Giầy (giày Việt Nam), logo được ông thiết kế là một quả cầu hàm ý giày Việt sẽ vươn ra thế giới. Đó là ngày 6/6/1990.

Hơn 1 năm sau – ngày 5/11/1991, giày nhãn hiệu Vinagico đã được cấp chứng nhận bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, giành được 8 bộ huy chương vàng tại Hội chợ triển lãm quốc tế tại Hà Nội và Hội chợ Thương mại Cần Thơ. Thương hiệu Vina-Giầy (Công ty cổ phần Giày Việt) được khách hàng bầu chọn là Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao 23 năm liên tiếp từ năm 1997 -2019. Công ty cũng là thành viên các hiệp hội giày trên thế giới như Tổ chức SATRA tại Anh và NSRA tại Mỹ.

Những nhân viên kỹ thuật và quản lý của Vina-Giầy đã nhiều dịp đi tu nghiệp, học hỏi và tham quan ngành giày da của một số nước như Ý, Đức, Pháp, Nhật Bản… Công ty coi đây là một yêu cầu đầu tư – đầu tư vào trí tuệ không kém phần quan trọng so với đầu tư về cơ sở vật chất và đổi mới công nghệ. Sản phẩm của Vina-Giầy được bày bán ở nhiều cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Công ty cũng có các chi nhánh tại Hà Nội, Ðà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ…

Con đường thành công sẽ không hề dễ dàng

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, doanh nghiệp da giày nội địa vẫn còn hạn chế. Thống kê gần đây của Hiệp hội Da, giày, túi xách Việt Nam cho thấy, có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, sản lượng đạt đến 1.172 triệu đôi giày dép/năm. Về xuất khẩu giày dép, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Ý, theo thống kê năm 2015). Thế nhưng, tại thị trường nội địa, sản phẩm giày dép Việt Nam lại chịu thua hoàn toàn ở mọi phân khúc.

Cụ thể, chỉ cần đến một trong những con đường chuyên kinh doanh thời trang như Nguyễn Trãi (quận 1 – quận 5, TP Hồ Chí Minh) sẽ dễ dàng thấy hàng loạt shop giày dép túi xách thương hiệu ngoại từ bình dân đến cao cấp như Tomy, Nike, Adidas, Clarks, Dr. Martens, Converse…

Tại kênh phân phối là các chợ truyền thống Bến Thành, An Đông, Bình Tây thì có đến 50 – 80% là hàng Trung Quốc, Thái Lan… với giá bán rẻ hơn hàng Việt Nam. Thật hiếm hoi mới tìm thấy ở đâu đó một cửa hàng giày dép mang thương hiệu Vina-Giầy hay thương hiệu Việt Nam có tiếng khác là Biti’s…

Hệ thống cửa hàng tiện lợi Nhật Bản, Hàn Quốc thì hầu như chỉ bán giày dép của họ. Chỉ những siêu thị trong nước như Co.opmart, Vinatex, Sài Gòn hay các cửa hàng đại lý của doanh nghiệp trong nước mới kinh doanh lượng ít giày dép mang thương hiệu Việt, song sức tiêu thụ chưa mạnh.

Một chuyên gia lĩnh vực da giày từng nhận định, mặc dù tổng số lượng doanh nghiệp ngành da giày cả nước rất lớn, nhưng đa số là vừa và nhỏ, chú trọng vào sản xuất hay gia công hàng xuất khẩu. Chỉ không quá 10% trong tổng số đó là doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, đang đầu tư một phần cho thị trường nội địa.

Ngay cả người tiêu dùng cũng dễ dàng nhận thấy điều này khi trong danh sách “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” chỉ có tên sản phẩm của vài doanh nghiệp từ năm này sang năm khác. Điển hình như trên đã nói, Công ty cổ phần Giày Việt (Vina-Giầy) đã liên tiếp xuất hiện trong danh sách suốt 19 năm qua.

Vậy tại sao hàng Việt bị lép vế ở sân nhà? Một nguyên nhân được cho là thương hiệu đình đám này của Việt Nam vẫn chưa theo kịp xu hướng thời trang để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, vốn là đối tượng chi tiêu cao vào trang phục. Từ màu sắc đến kiểu dáng, Vina-Giầy gần như chỉ dành cho giới nhân viên văn phòng và người lớn tuổi, giá bán lại không rẻ nên bị giới trẻ “quay lưng” cũng hoàn toàn dễ hiểu.

Mặc dù, Vina-Giầy cũng phát triển mặt hàng túi xách thời trang chất liệu da thật 100%. Đánh giá công bằng thì sản phẩm giày dép, túi xách của Vina-Giầy có chất lượng không thua hàng của những thương hiệu thời trang nước ngoài (Nine West, Donna Karan New York – DKNY…), giá bán rẻ hơn. Nhưng cả giày và túi xách của Vina-Giầy không thu hút nhiều giới trẻ, vì giá cao mà mẫu mã ít, không bắt mắt, không cá tính. Người tiêu dùng sẵn sàng chi cao hơn để sở hữu một chiếc túi xách Nine West từ 2 triệu – 4 triệu đồng, chứ không chọn chiếc túi da cá sấu Vina-Giầy cùng tầm giá.

Giày dép Việt còn phải đương đầu với làn sóng bán lẻ rộng mở cho các nước trong khối ASEAN. “Đáng gờm” nhất là Thái Lan với những “ông chủ” lớn nắm trong tay nhiều đại siêu thị rộng khắp Việt Nam, sẽ đủ sức khiến người Việt đi giày Thái như đã từng đưa hàng Thái vào nhà Việt.

Trong khi đó, trình độ công nghệ, nhân lực ngành da giày của doanh nghiệp nội vẫn còn hạn chế (trang thiết bị cũ, ít có bộ phận thiết kế mẫu mã, chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu cao…). Khi sản phẩm đưa ra thị trường thì lại chịu áp lực hàng nhái, hàng giả… Xem ra con đường để giày dép Việt Nam nói chung, thương hiệu Vina-Giầy nói riêng đến chân người tiêu dùng Việt còn xa và không hề dễ dàng!

This post was last modified on Tháng mười hai 12, 2024 3:35 chiều