Câu chuyện đôi giày rách và những đồng xu: khi cho đi, ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế!

Câu chuyện đôi giày rách và những đồng xu: khi cho đi, ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế!

Câu chuyện đôi giày rách và những đồng xu: khi cho đi, ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế!

đôi giày rách

Đôi giày rách của bác nông dân

Vì bài học về thiên nhiên nên thầy giáo đã quyết định tổ chức một buổi dã ngoại ở nông thôn dành cho học sinh của mình. Mấy đứa trẻ thành phố rất thích thú khi được nhìn ngắm tận mắt cảnh đồng quê yên bình. Khi thầy trò chuẩn bị ra về thì bất chợt có một cậu học sinh nhìn thấy một đôi giày cũ rách để gần bờ ruộng, chắc hẳn của một bác nông dân nghèo đang sắp sửa trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc trên đồng ruộng.

Cậu học sinh reo lên: “Này mấy cậu hay là bọn mình giấu đôi giày này rồi trốn đi, thử xem bác nông dân hoảng hốt thế nào. Chắc hẳn sẽ có chuyện vui để cười đấy, các cậu đồng ý không?”

Không kịp để mấy đứa trẻ khác gật đầu đồng ý, thầy giáo bước tới cau mặt phê bình: “Thầy không nghĩ đó là một chuyện vui đâu, ngược lại thì rất tệ đấy. Hôm nay chúng ta đã có một buổi dã ngoại thành công ở đây, các em hãy biến nó thành một kỉ niệm đáng nhớ nhé. Tại sao chúng ta không để vài đồng tiền xu vào hai chiếc giày rồi trốn đi xem bác nông dân phản ứng thế nào nhỉ?”

Bọn trẻ nhìn nhau, không lưỡng lự, mỗi đứa trẻ bỏ một đồng xu vào từng chiếc giày cũ rồi nhanh chân tìm chỗ trốn, đợi người nông dân lên bờ ruộng.

Người nông dân mệt mỏi bước từ ruộng lên rồi từ từ xỏ chân vào từng chiếc giày. Ông rất ngạc nhiên khi thấy những đồng tiền xu trong chiếc giày bên trái. Ông lấy chúng ra và đưa mắt nhìn xung quanh xem có ai đánh rơi những đồng tiền này không. Sau mấy lượt tìm kiếm mà chẳng thấy ai, không gian lặng yên như tờ, ông cẩn thận cất những đồng xu vào túi.

Sau đó, ông xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Và ông lại cảm thấy có vật gì cứng cứng cản mũi chân của mình. Ông liền cúi xuống kiểm tra và lần này ông cũng nhìn thấy những đồng tiền xu. Cầm những đồng xu trên tay, ông bật khóc lúc nào không hay.

Người nông dân gầy gò cảm động chắp tay trước ngực và ngửa khuôn mặt xương xẩu lên trời và nói: “Tạ ơn Chúa! Cho phép con gửi lời cám ơn tới người ẩn danh đã giúp đỡ con lần này. Có mất cả đời chắc con cũng không trả hết được món nợ này. Nhờ có sự hào phóng của con người nhân hậu này mà hôm nay lũ trẻ nhà con không phải nhịn đói nữa. Con sẽ cầm số tiền này để mua thuốc chữa bệnh cho vợ và mua bánh mì cho lũ trẻ.”

Người nông dân trở về nhà mà nước mắt vẫn chực trào trên khuôn mặt khắc khổ đen xạm ấy. Mấy cậu học sinh nghịch ngợm sau khi chứng kiến toàn bộ câu chuyện của người nông dân đáng thương, dường như tất cả đều xúc động không nói nên lời.

Thầy giáo nhẹ nhàng hỏi: “Bây giờ thì các em cảm thấy thế nào? Giấu giày để thỏa mãn niềm vui của mình hay bỏ tiền vào giày của ông ấy vui hơn?”

Cậu học sinh ban đầu đầu têu trò đùa xúc động nói: “Em xin lỗi thầy vì đã không suy nghĩ kĩ càng ạ. Bài học này em sẽ nhớ mãi không quên. Giờ em đã hiểu niềm hạnh phúc của việc cho đi lớn hơn rất nhiều so với nhận lại. Niềm vui của việc cho đi là không có giới hạn. Em cảm ơn thầy rất nhiều!”

Lời bình

Trong cuộc sống này, chỉ vì quá mệt mỏi với công việc hằng ngày nên dường như chúng ta chỉ quan tâm đến việc là làm gì để mang lại niềm vui cho bản thân. Chẳng ít người ban ngày đến công sở làm việc rồi tới ban đêm thả mình vào những cuộc chơi không giới hạn ở các quán bar. Suy cho cùng, con người ta luôn cố gắng để làm thỏa mãn sự hài lòng của chính mình.

Làm cho bản thân vui vẻ, không có gì đáng trách. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta lại quên mất rằng, có thể do vô tình hoặc cố ý, để thỏa mãn bản thân, chúng ta lại vui đùa trên sự đau khổ của người khác. Ngược lại, điều này rất tệ, dành quá nhiều suy nghĩ cho bản thân mình đôi khi lại thành vô tâm với những người khác.

Cuộc đời của mỗi người đều giống nhau ở chỗ chúng ta sinh ra để sống, để tồn tại rồi lại ra đi bắt đầu một cuộc đời mới. Mỗi con người đều nắm giữ những số phận riêng. Không phải ai cũng được hưởng một cuộc sống an nhàn, thoải mái. Vậy nên, thay vì muốn nhận một tràng cười đắc chí vì những trò vô bổ hay những rắc rối mình gây cho người khác thì hãy mở lòng mình, làm những việc tốt.

Hạnh phúc là một thứ dễ lây lan. Khi người khác cảm nhận được lòng nhân hậu của mình, chắc chắn họ rất vui và có khi đến suốt đời người ta cứ nhắc mãi đến câu chuyện ấy. Còn mình, chỉ cần giúp đỡ người ta thật lòng, dù chẳng nhận lại được thứ gì to tát hơn một nụ cười, một lời cảm ơn, một ánh mắt long lanh muốn bày tỏ mà không nói nên lời. Hạnh phúc chỉ cần như vậy thôi!

Trong mẩu chuyện trên, dù chỉ là những đồng xu nhỏ bé nhưng không chỉ mang lại niềm hạnh phúc cho người khác mà còn đem lại niềm vui cho chính chúng ta, tựa như niềm vui khôn tả xiết của người nông dân và giọt nước mắt cảm động của mấy cậu học sinh.

Khi cho đi, ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế!

This post was last modified on Tháng mười một 23, 2024 11:46 chiều