Một số nam giới có thể rụng tóc từ lúc 20 tuổi. 85% nam giới sẽ bị thưa tóc từ tuổi 50. Nếu rụng tóc xảy ra thường xuyên và liên tục khiến da đầu bị trống một mảng lớn, dẫn đến hói. Vậy rụng tóc nhiều ở nam giới là do đâu? Nguyên nhân, dấu hiệu và ngăn ngừa bệnh rụng tóc này như thế nào?
Rụng tóc nhiều ở nam là gì?
Rụng tóc nhiều ở nam là tình trạng tóc rụng bất thường do chu kỳ mọc tóc của cơ thể bị gián đoạn, phổ biến ở nam giới trưởng thành (còn được biết đến với tên gọi androgenetic alopecia). Rụng tóc phổ biến ở nam giới lớn tuổi, tuy nhiên cũng có thể xuất hiện ở nam thanh niên
Trong chu kỳ mọc tóc bình thường, hầu hết tóc đều ở giai đoạn tăng trưởng, kéo dài khoảng 3 – 6 năm trước khi tóc rụng cho đến khi tóc mới mọc thay thế. Tuy nhiên, nam giới bị rụng tóc nhiều có thể do xảy ra tình trạng tóc ở giai đoạn tăng trưởng quá ngắn so với chuẩn bình thường, chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng trước khi rụng, chứ không phải kéo dài 3-6 năm. Quá trình này dẫn đến hậu quả là tóc mỏng dần và hói đầu. (1)
Các kiểu rụng tóc ở nam giới
Các kiểu rụng tóc ở nam giới điển hình:
1. Rụng tóc kiểu chữ M
Rụng tóc kiểu chữ M (hay rụng tóc thái dương) là tình trạng tóc rụng nhiều ở hai bên thái dương, trong khi đó phần sau gáy và 2 bên tai vẫn mọc bình thường, tạo hình dáng tóc giống chữ M. Nếu không can thiệp kịp thời, khi vùng tóc rụng lan rộng ra, sẽ để lại vùng trán bóng nhẵn.
2. Rụng tóc kiểu chữ U
Rụng tóc kiểu chữ U (hay rụng tóc đỉnh đầu) bắt đầu từ phần giữa trán và lan rộng xuống phía sau gáy, trong khi tóc 2 bên tai vẫn mọc bình thường tạo thành hình chữ U. Nếu không can thiệp sớm, khi tóc rụng sẽ tạo một mảng hói lớn trên đỉnh đầu.
3. Rụng tóc kiểu chữ O
Rụng tóc kiểu chữ O (hay rụng tóc từng mảng) khá ít gặp. Tóc có xu hướng rụng thành từng mảng hình tròn, xuất hiện trên đỉnh đầu và sau đó lan dần ra khắp da đầu.
Tóc rụng ở nam giới diễn ra như thế nào?
Chu kỳ phát triển của tóc bao gồm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn mọc – Anagen: 89% số lượng tóc tăng trưởng ở giai đoạn này, trung bình mỗi tháng tóc mọc khoảng 1-2cm, giai đoạn này kéo dài từ 2 – 6 năm
- Giai đoạn ngưng mọc – Catagen: Giai đoạn này kéo dài khoảng 2 – 6 tuần, chiếm 1% số lượng tóc.
- Giai đoạn rụng tóc – Telogen: 10% số tóc trên da đầu ở giai đoạn nghỉ kéo dài khoảng 2 – 3 tháng, sau đó tóc rụng đi. Trung bình một người rụng khoảng từ 50 – 100 sợi tóc trong một ngày là điều bình thường. Sau khi tóc cũ rụng, tóc mới mọc ra từ chân tóc và bắt đầu chu kỳ mới.
Rụng tóc androgen ở nam là do giai đoạn Anagen bị rút ngắn lại, dẫn đến việc tạo ra những sợi tóc mỏng, ngắn hơn, làm thu nhỏ nang tóc, bộc lộ nhiều vùng da đầu trống tóc.
Bài viết liên quan: Bị rụng tóc thiếu chất gì? Nên bổ sung gì cho tóc khỏe mạnh?
Nguyên nhân rụng tóc ở nam
Rụng tóc ở nam giới xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau:
1. Di truyền:
Rụng tóc do androgen được xem như một bệnh lý có tính di truyền, trong vài nghiên cứu cho thấy nam giới có cha bị hói đầu sẽ dễ bị hói đầu gấp 5 lần so với nhóm còn lại. Ngoài ra người ta cũng đã xác định nhiều loại gen có vai trò trong bệnh lý này.
2. Tăng sản xuất nội tiết tố androgen:
Bệnh nhân hói đầu do androgen có sự gia tăng men 5-alpha-reductase- men giúp chuyển đổi testosterone thành Dihydrotestosterone (DHT), làm gia tăng đáng kể hormon DHT này, từ đó tăng bám dính vào các thụ thể androgen tại nang tóc. Tại các nhú bì của nang tóc, DHT bám vào thụ thể androgen, tạo phức hợp kích hoạt biểu lộ gen, gây chuyển dạng thành nang tóc nhỏ hơn và rút ngắn giai đoạn anagen của tóc.
3. Căng thẳng, stress
Đàn ông và phụ nữ đều giống nhau, khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra một số hormone, ức chế hoạt động của một số chất có khả năng kích thích mọc tóc, khiến quá trình mọc tóc chậm lại, đồng thời tóc rụng cũng nhiều hơn.
4. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc như thuốc trầm cảm, thuốc điều trị ung thư, thuốc chống đông máu, thuốc điều trị bệnh gút… tuy rất hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhưng cũng có thể gây tác dụng phụ rụng tóc. Rụng tóc có thể cải thiện sau khi ngừng sử dụng thuốc.
5. Nấm da đầu, vấn đề về da đầu
Xem thêm : Tips phối đồ với quần jeans ống suông mùa đông cực hack dáng
Nếu không vệ sinh da đầu sạch sẽ hoặc đi ngủ khi tóc còn ướt, da đầu dễ nhiễm nấm dẫn đến tăng nguy cơ rụng tóc. Hoặc khi các tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, vi khuẩn và nấm có thể phát triển, gây viêm và dẫn đến các vấn đề như ngứa da đầu, gàu, khô da, đóng vảy, rụng tóc,…
6. Các loại bệnh lý
Khi nam giới mắc một số bệnh như tim mạch, tuyến giáp, đái tháo đường, rối loạn hệ miễn dịch, ung thư tiền liệt tuyến, đại tràng… cũng có thể bị rụng tóc bất thường.
7. Chế độ ăn uống thiếu chất
Chế độ ăn uống không đủ dưỡng chất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cơ thể nói chung và của tóc nói riêng, làm mầm tóc yếu dần, khiến tóc khô giòn và dễ gãy rụng hơn.
8. Lối sống sinh hoạt hằng ngày không khoa học
Hút thuốc, uống rượu, thức khuya và những thói quen lối sống sinh hoạt không lành mạnh, sẽ làm rối loạn nội tiết tố và gây ra nhiều tác hại cho cơ thể, trong đó có rụng tóc ở nam giới.
9. Tác động vật lý, hóa chất lên tóc
Uốn, nhuộm hoặc tẩy với tần suất cao có thể khiến tóc hư tổn nghiêm trọng từ trong ra ngoài. Các tế bào mầm của tóc cũng tổn thương nghiêm trọng và nang tóc không thể phát triển dẫn đến rụng tóc. Ngoài ra, tóc của nam giới có thể gãy khi dùng sáp tạo kiểu và chải tóc quá mạnh.
10. Sau phẫu thuật hoặc điều trị bệnh
Tình trạng rụng tóc sau phẫu thuật sẽ hết khi sức khỏe trở lại bình thường. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, rụng tóc vẫn tiếp diễn dẫn đến khả năng người bệnh bị hói đầu rất cao. Vì vậy, người bệnh đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị rụng tóc kịp thời.
11. Các nguyên nhân khác
Thói quen bứt tóc khi lo lắng cũng làm tổn thương tóc và khiến tóc gãy rụng.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng tóc rụng nhiều ở nam
Các dấu hiệu và triệu chứng rụng tóc ở nam có thể bao gồm:
- Tóc mỏng dần trên đỉnh đầu: đây là loại rụng tóc phổ biến nhất, ảnh hưởng đến mọi người khi bắt đầu có tuổi. Ở nam giới, tóc thường bắt đầu rụng từ phần chân tóc trên trán.
- Rụng tóc thành các mảng hình tròn hoặc loang lổ: da người bệnh có thể ngứa hoặc đau trước khi tóc rụng thành những mảng hình tròn hoặc loang lổ trên da đầu, râu hoặc lông mày.
- Tóc đột ngột rụng nhiều: một cú sốc về thể chất hoặc tinh thần có thể khiến tóc rụng xơ xác.
- Rụng lông tóc toàn thân: với người bệnh ung thư khi được thực hiện hóa trị có thể dẫn đến rụng lông tóc trên khắp cả cơ thể. Tuy nhiên lông và tóc thường mọc trở lại sau quá trình trị liệu.
- Các mảng vảy lan rộng trên da đầu: là dấu hiệu của bệnh nấm da đầu, nấm tóc, có thể đi kèm với các triệu chứng như tóc gãy rụng, mẩn đỏ, sưng tấy và đôi khi rỉ dịch.
Rụng tóc nhiều ở nam có cảnh báo bệnh gì không?
Rụng tóc ở nam giới có thể liên quan đến bệnh lý toàn thân như: ung thư tuyến tiền liệt, tiểu đường, béo phì và cao huyết áp… Hoặc có thể xảy ra do căng thẳng, sau khi bệnh hoặc trải qua ca phẫu thuật lớn, cũng có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc chẳng hạn như thuốc chống đông máu, thuốc làm loãng máu và thuốc bổ sung vitamin A. Rụng tóc cũng có thể chỉ ra tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như bệnh lupus, nhiễm nấm hoặc vấn đề về tuyến giáp. (2)
Các nguyên nhân có thể khác bao gồm:
- Thiếu sắt.
- Thừa vitamin A (có thể là hậu quả của thuốc retinoid).
- Bệnh mạn tính nghiêm trọng như tiểu đường hoặc lupus.
- Suy dinh dưỡng.
- Sử dụng thuốc chống đông máu hoặc chất làm loãng máu.
- Bệnh rụng tóc Telogen do rối loạn chu kỳ phát triển của tóc.
- Một số thay đổi di truyền có liên quan đến chứng hói đầu ở nam giới.
Nếu người bệnh lo ngại rụng tóc là dấu hiệu của một bệnh nào đó thì nên đi khám bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da càng sớm càng tốt để được chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa kịp thời.
Chẩn đoán tình trạng rụng tóc nhiều ở nam
Bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây rụng tóc dựa trên tiền sử bệnh, các loại thuốc người bệnh đang dùng, tình trạng dinh dưỡng, thói quen làm tóc và kết quả khám sức khỏe. (3)
Trường hợp bác sĩ nghi ngờ da đầu người bệnh nhiễm nấm sẽ lấy mẫu tóc xét nghiệm. Bác sĩ cũng có thể đề nghị xét nghiệm máu nếu người bệnh mắc bệnh nội khoa (chẳng hạn như bệnh lupus) hoặc vấn đề về tuyến giáp, thiếu sắt hoặc mất cân bằng nội tiết tố giới tính, để từ đó đưa ra kết quả chuẩn xác nhất.
Điều trị rụng tóc ở nam
Tùy thuộc vào tình trạng tóc mà bác sĩ sẽ đưa ra các liệu trình điều trị khác nhau.
1. Thuốc điều trị tại chỗ và toàn thân
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi giúp xịt vào vùng tóc rụng như minoxidil, corticoid,… hoặc thuốc toàn thân như finasteride, dutasteride, corticoid steroid… hoặc thuốc ức chế miễn dịch như methotrexate. Nhưng các loại thuốc này nếu dùng lâu dài có thể gây tác dụng phụ và toàn thân như kích ứng, ngứa, mẩn đỏ, teo da, bong vảy, đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn nhịp tim,… Vì vậy, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn chuyên khoa trước khi sử dụng.
2. Liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng laser năng lượng thấp (LLLT) được thực hiện với thời gian dài trên 26 tuần ở một số bệnh nhân nam và cả nữ giới, cho thấy có sự cải thiện đáng kể mật độ tóc, cơ chế chính xác vẫn chưa rõ, nhưng có thể liệu pháp này giúp kích hoạt tế bào mầm chân tóc và tế bào sừng nang tóc, kháng viêm, từ đó giúp tóc mọc trở lại.
3. Lăn kim, tiêm vi điểm
Phương pháp lăn kim hoặc tiêm vi điểm vào da đầu các hoạt chất như: Biotin, Copper Tripeptide-1, ATP, Ginkgo Biloba..cũng cho thấy có hiệu quả trong việc kích thích tóc mọc trở lại. Liệu trình này cần thực hiện nhiều lần với khoảng cách từ 2-4 tuần, bạn sẽ thấy được kết quả qua việc xuất hiện trở lại các sợi tóc con mỏng, nhỏ mọc lên từ vùng da đầu bị hói, thường thấy rõ hiệu quả sau khoảng 2-3 tháng.
Xem thêm : Áo Sơ Mi Nam Kẻ Sọc Insidemen ILS1650Z
Phương pháp này tạo các tổn thương vi điểm trên da nên cần tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn và hướng dẫn chăm sóc da đầu sau tiêm, có thể phối hợp với các thuốc xịt tại chỗ, toàn thân, hoặc các phương pháp khác để tăng hiệu quả điều trị.
4. Cấy tóc
Cấy tóc là một thủ thuật y khoa xâm lấn, nhằm giúp tóc có thể mọc lại vùng da đã mất trước đó do rụng tóc quá nhiều. Bác sĩ sẽ chuyển nang tóc của chính bệnh nhân từ phần nhiều tóc vào phần bị hói. Phương pháp này thường tốn kém (giá tính theo sợi tóc), thời gian phục hồi lâu và có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, chảy máu, sẹo, nang lông…
Những cách chăm sóc giúp cải thiện tình trạng rụng tóc nhiều ở nam giới
Các biện pháp giúp cải thiện tình trạng rụng tóc nhiều ở nam giới:
1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ
Cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống cân bằng hàng ngày, đặc biệt các thực phẩm chứa các dưỡng chất giúp mọc tóc nam như kẽm, L-cystein, biotin (vitamin H),… Ngoài ra việc bổ sung các chất chống oxy hóa cho cơ thể sẽ giúp bảo vệ tế bào mầm tóc khỏi sự tấn công của các gốc tự do, từ đó giúp hạn chế tình trạng rụng tóc. Ngoài ra, uống nhiều nước và bổ sung các nhóm thực phẩm chống rụng tóc cũng có lợi cho sức khỏe của tóc.
Xem thêm: Rụng tóc uống vitamin gì? 10 loại vitamin tốt nhất cho sự phát triển của tóc
2. Xây dựng lối sống khoa học
Hạn chế tối đa các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, thức khuya. Thay vào đó, thư giãn tinh thần, hòa mình vào thiên nhiên cũng là liệu pháp giúp bảo vệ sức khỏe, làm cho đầu óc minh mẫn và phục hồi mái tóc hiệu quả.
3. Chăm sóc tóc đúng cách
Sau khi gội đầu hạn chế sử dụng máy sấy tóc, nên để tóc khô và tạo kiểu tự nhiên, tránh tác động nhiệt làm mất đi độ ẩm vốn có và làm cho tóc hư tổn.
4. Đổi dầu gội phù hợp
Sử dụng dầu gội nhẹ dịu với da đầu và chỉ nên gội đầu 2-3 lần/tuần. Khi gội đầu nên massage nhẹ nhàng nhằm kích thích máu lưu thông, giúp da đầu sạch sẽ và tránh viêm nhiễm.
5. Không cào đầu, tác động mạnh lên tóc
Cào đầu hay tác động mạnh lên tóc sẽ gây gãy rụng tóc, làm tóc rụng nhiều.
6. Không nên chải tóc khi còn ướt
Nên hạn chế chải tóc khi tóc ướt vì lúc này tóc mềm, gãy rụng và dễ hư tổn.
7. Nên gội đầu bằng nước ấm
Gội đầu bằng nước ấm giúp lỗ chân lông và lớp biểu bì của tóc giãn nở. Đây là cách hiệu quả để loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và mồ hôi trên da đầu và tóc. Chưa kể da đầu nhờn thường làm bít lỗ chân lông dẫn đến tóc bóng nhờn nên nước ấm có khả năng làm mở các mao mạch da đầu, giúp lưu thông máu, giảm tiết dầu cho tóc.
Ngoài ra, gội đầu bằng nước ấm còn giúp cơ thể thư giãn, giảm căng thẳng, giải độc và giảm các triệu chứng đau đầu.
8. Hạn chế sử dụng hóa chất
Nên ngưng hoặc hạn chế tối đa các phương pháp tạo kiểu tóc như uốn, duỗi, nhuộm màu vì chúng tác động làm suy yếu tế bào mầm tóc cả bên trong và bên ngoài ngọn tóc.
9. Thường xuyên massage da đầu
Nhiều người thường massage da đầu với một số loại tinh dầu thiên nhiên như: tinh dầu tràm trà, tinh dầu bưởi, tinh dầu cam… để kích thích hoạt động của hệ tuần hoàn dưới da, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, làm tóc chắc khỏe hơn, đồng thời hạn chế một số chứng viêm nhiễm thông thường.
Bài viết liên quan: 33 cách kích thích mọc tóc nhanh hiệu quả dễ áp dụng cho cả nam và nữ
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ chuyên gia hàng đầu, bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên điều trị tình trạng rụng tóc cũng như các bệnh về da khác. Để chẩn đoán chuẩn xác, BVĐK Tâm Anh đầu tư hàng loạt máy móc công nghệ cao, nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu – Mỹ, giúp người bệnh an tâm trong suốt quá trình trị liệu và cùng nhau đập tan mối lo mang tên rụng tóc.
Rụng tóc ở nam giới tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng căn bệnh này gây mất thẩm mỹ và làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy, ngay khi xuất hiện những triệu chứng như trên, người bệnh nên đến bệnh viện ngay để các bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da tư vấn và điều trị kịp thời, giúp khôi phục mái tóc khỏe đẹp.
Nguồn: https://leplateau.edu.vn
Danh mục: Kinh Nghiệm
This post was last modified on Tháng mười một 26, 2024 11:23 chiều