Chào em, Chào 30!

Chào em, Chào 30!

Chào em, Chào 30!

viết cho ngày sinh nhật của mình

Ngày hôm nay là sinh nhật lần thứ 30 của tôi.

Ba mươi tuổi. WOW! Thật khó có thể tưởng tượng được rằng thoáng cái, tôi đã sang tuổi “băm”.

Còn nhớ hồi nhỏ xem bộ phim “13 going on 30” (Tuổi 13 biến thành 30). Phim kể về một cô bạn 13 tuổi đang trong thời kỳ “khủng hoảng dậy thì” ước mơ biến thành 30 tuổi sau khi đọc một bài báo nói rằng tuổi 30 là tuổi viên mãn nhất của người phụ nữ. Tôi còn nhớ lúc đó mình đã bĩu môi: “Eo ôi… 30 tuổi già quá! 20 là trưởng thành, trẻ đẹp nhất! Mình chỉ mơ đến 20 tuổi thôi”. (Giờ muốn quay lại để đập cho cái “Eo ôi” ấy một phát dập mỏ quá 🙊).

Chớp mắt một cái đến tuổi 20. Tôi ngỡ ngàng nhận ra mình vẫn còn trẻ con và non nớt quá. Trẻ con như một đứa bé vẫn còn lúng túng trước hai lựa chọn nhỏ xíu như cây kẹo hay que kem. Non nớt như chú gà con mới ra khỏi lồng ấp, chiêm chiếp mở mắt nhìn ra thế giới bên ngoài. Run rẩy, ngại ngùng, luống cuống.

Chớp mắt một cái nữa đến tuổi 30. Tôi dần nhận ra mình không còn trẻ con nữa, nhưng ngỡ ngàng vì thấy mình vẫn còn rất trẻ; và ngạc nhiên hơn cả, vẫn non nớt và ngây thơ trước cuộc đời. OK. OK… Tôi biết bạn nghĩ gì. “Bà cụ non” Chi Nguyễn – The Present Writer, tác giả của cái blog hàng tuần sản xuất ra hàng trang viết về ý nghĩa cuộc sống với bài học làm người mà lại còn “cáo đội lốt cừu” be lên là ngây thơ với non nớt 🙈. Nhưng đó là sự thật. Trong những năm qua, tôi đã học được rất nhiều và trưởng thành hơn một đôi chút; nhưng càng trải nghiệm nhiều hơn, tôi lại càng nhận ra mình còn quá nhiều điều chưa biết—về cuộc sống bên ngoài lẫn bản thân mình. Đặc biệt năm vừa rồi với việc sinh con đầu lòng, tôi nhận ra mình còn nhiều điểm khiếm khuyết và còn thật nhiều thứ cần phải học để trở thành một người mẹ (chưa dám nói là “trở thành người mẹ tốt”). Nhưng cũng chính điều này khiến tôi hạnh phúc vì tôi nghĩ, đây là cơ hội để mình được lớn lên cùng con.

Tuổi 30, tôi không dám chắc mình đã thực sự biết điều mình muốn làm trong tương lai. Năm 18 tuổi, tôi biết chắc mình muốn vào đại học, bởi vì khi đó ai cũng bảo: “Cứ vào đại học được đi đã rồi mọi chuyện sẽ tự sắp xếp, đâu sẽ vào đó hết”. Năm 24 tuổi, tôi biết chắc mình muốn đi du học, bởi vì khi đó tôi nhận ra rằng mình có thể sẽ nuối tiếc cả cuộc đời nếu không thực hiện được ước mơ này. Năm 29 tuổi, tôi biết chắc mình muốn có con, bởi vì sau một năm đầy sóng gió, tôi nhận ra đã đến lúc mình ngừng chờ đợi cái gọi là “thời điểm vàng” hay “khi thực sự sẵn sàng”, và bắt đầu tự tạo ra bước ngoặt cuộc đời cho riêng mình. Năm 30 tuổi, tôi không dám chắc một điều gì. Mọi thứ đều có thể, nhưng đâu mới là con đường đi đúng đắn? Tôi cảm thấy ở một khía cạnh, mình như đã có tất cả; nhưng ở khía cạnh khác, mình chưa có gì. Mọi người thường hay dùng hai chữ “ổn định” khi nói về phụ nữ tuổi 30, nhưng tôi cảm thấy cuộc đời mình mới chỉ vừa sang một chương mới. Với cả bản thân, gia đình, lẫn sự nghiệp, chưa có cái gì đủ đầy để gọi là ổn định cả. Nhưng một phần nào đó trong tôi thấy vui với sự bấp bênh này; nó như chắp cho tôi đôi cánh nhẹ bẫng để nhắc tôi nhớ rằng mình còn có thể bay xa hơn được nữa, nếu thật tâm mình mong muốn.

Cách đây không lâu, tôi tình cờ đọc một bài báo mạng về tuổi 30. Bài viết cũng bắt đầu với câu chuyện về bộ phim “Tuổi 13 biến thành 30” và cũng bàn về sự bấp bênh, sự “chưa tới” của phần đông lớp người tuổi 30, đặc biệt là phụ nữ chưa có gia đình. Bài viết nhắc nhiều về những buổi họp lớp, cảm giác lạc lõng khi bắt gặp những câu hỏi về gia đình, con cái, sự nghiệp, tiền bạc; sự so sánh thường trực với bạn bè cùng lứa và cảm giác hụt hẫng vì mình chưa tới đâu. Tôi hiểu cảm giác này. Và thậm chí, nếu đặt bút viết bài này chỉ 2 năm trước thôi, có thể tôi sẽ viết về tuổi 30 y hệt thế, cũng cái mở đầu như thế, và cũng kết lại bằng nỗi buồn man mác ám ảnh như hệt. Nhưng 2 năm gần đây, có một sự thay đổi lớn trong gia đình khiến cho tôi có cái nhìn rất khác về tuổi 30: Đó là việc bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng tôi đều về hưu ở tuổi 55-60.

Chứng kiến hai cặp bố mẹ, dù ở hai đất nước và từ những vị trí công việc khác nhau, cùng dừng lại guồng quay làm việc mỗi ngày để bước vào thời kỳ hưu trí, khiến tôi thấm thía một đôi điều: Thứ nhất, 55-60 tuổi vẫn còn rất trẻ; khi bắt đầu đi làm ở tuổi 20-25, ta nghĩ mình cống hiến làm việc 30 năm đến tuổi về hưu cũng là lúc đã già. Nhưng với y học ngày nay, con người (đặc biệt là phụ nữ) có thể sống khỏe mạnh đến 90 tuổi và thậm chí hơn. Như vậy là thêm tới 30 năm nữa (bằng với thời gian đi làm thời trẻ!)để sống và tận hưởng cuộc sống. Bởi vậy, tuổi 30 thực sự mới chỉ là điểm khởi đầu. Vì thế, không có lý do gì để ám ảnh với nỗi lo rằng cơ hội của mình đã hết và sự so sánh thường xuyên rằng mình vẫn “chưa đủ” cả. Thứ hai, nghỉ hưu không có nghĩa là hết việc. Nếu ta là người sôi nổi, thích cống hiến, muốn sống một cuộc sống ý nghĩa thì lúc về hưu, ta cũng sẽ muốn được tiếp tục như vậy. Việc làm khi về hưu có thể là bắt tay vào một công việc mới, có thể là dành thời gian cho sở thích cá nhân, có thể là đi du lịch vòng quanh thế giới, có thể là dành thời gian nhiều hơn cho con cháu… Nhưng quan trọng hơn cả, để có thể tiếp tục làm được những việc mình thích, ta phải bắt đầu “gieo hạt giống” ngay từ tuổi 30, 40, 50 (ví dụ, nếu muốn tiếp tục làm việc sau tuổi về hưu, những mỗi quan hệ nào ngày nay có thể giúp ta tiếp tục công việc mình thích? nếu muốn được đi du lịch sau khi về hưu, khoản tiền nào ta có thể tiết kiệm và đầu tư ngay hôm nay để thực hiện giấc mơ đó?…). Thứ ba, “bạn đời” sẽ có nhiều ý nghĩa hơn khi ở tuổi xế chiều. “Bạn đời” ở đây có thể là vợ, chồng, nhưng cũng có thể là con cái, anh chị em họ hàng, bạn bè thân thiết—những người mà ta muốn ở bên đến hết cuộc đời. Khi còn đi làm quần quật, bận rộn con nhỏ ở nhà, ta không thực sự cảm thấy giá trị của người “bạn đời”, nhưng đến khi về già, có nhiều thời gian trống hơn, cảm thấy cô đơn nhiều hơn, ta mới thấy giá trị của những mối quan hệ lâu dài này. Nhưng “bạn đời” không thể xuất hiện chỉ sau một đêm, mối quan hệ này cũng như cái cây cần phải trồng, vun xới, thậm chí cắt tỉa, chỉnh trang từ nhiều năm để có ngày hái quả. Bởi vậy, tuổi 30 mới chỉ là cái gốc ban đầu để tìm và xây dựng mối quan hệ với “bạn đời”. Nếu bạn chưa tìm được ai, tốt thôi, đây chính là thời gian để tìm ra người đó; nếu bạn đã có một ai đó trong đời, thật may mắn, hãy dùng đây làm thời gian để vun đắp tình cảm với người đó.

Nhiều người tuổi 30 tôi biết thường nhìn lại quá khứ tuổi 20 của họ với con mắt tiếc nuối; những người khác lại hay nhìn xung quanh bạn bè cùng trang lứa để so sánh với cuộc sống hiện tại của mình một cách thiếu công bằng. Nhưng tôi lại có cách nhìn khác. Nghĩ về tuổi 60 của bố mẹ, tuổi 90 của ông bà, tôi thấy tuổi 30 chưa là gì cả—mới chỉ là chặng đầu tiên của cuộc đời. Tuổi 30, còn nhiều điều để làm, nhiều người để gặp, và rất nhiều cơ hội còn ở phía trước. Không ai có thể nói mình đã hoàn toàn “ổn định”, “thành đạt”, “viên mãn”, hay “hài lòng” ở tuổi này cả; mà nếu có, cuộc sống sẽ luôn thay đổi, con người ta sẽ tiếp tục đổi thay để thích ứng. Không ai biết chắc mình sẽ là ai, ở đâu, và làm gì 5 năm hay 10 năm nữa. Bởi vậy, nếu có một lời nhắn nhủ cho chính bản thân mình tuổi 30, tôi sẽ nói: Hãy cứ sống đi, hãy để tuổi 30 trẻ trung hay chín chắn, ổn định hay bấp bênh, tròn hay méo…tùy theo cách của mình. Tuổi 30 là cơ hội một đi không trở lại để ta tìm ra con đường riêng, và bước đi những bước đi riêng trong cuộc hành trình của riêng mình.

Chỉ vậy thôi.

Chào em, chào 30!

Be Present,

Chi Nguyễn

*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

This post was last modified on Tháng mười hai 15, 2024 7:59 chiều