Ngày trước, đa số người Việt không mừng sinh nhật, bởi theo truyền thống Á Ðông, họ quan niệm ngày giỗ chạp quan trọng hơn. Ðứa trẻ sinh ra được mừng đầy tháng, rồi thôi nôi. Ðến 2 tuổi, ba mẹ không còn thói quen mừng sinh nhật bé nữa, trừ những gia đình khá giả. Khi đời sống kinh tế khá hơn, nhiều gia đình mới tổ chức sinh nhật cho con cái, từ một bữa ăn ngon hơn tại nhà đến những bữa tiệc ở quán ăn, nhà hàng tùy vào gia cảnh mỗi nhà. Chính vì cha mẹ nhớ sinh nhật con, nên cũng khiến con cái nhìn lại và mừng sinh nhật cha mẹ, xa hơn là ông bà…
Những món quà tùy hoàn cảnh
Bạn đang xem: Mừng sinh nhật ông bà, cha mẹ
Với một người trẻ mới đi làm hoặc còn ngồi ghế nhà trường, một bữa tiệc thịnh soạn hay món quà đắt tiền là chuyện khó với tới. Họ chỉ cần món quà nhỏ, người thân đang cần là được. Anh Nguyễn Thanh Hải, tài xế xe grab (ngụ quận 10, TPHCM) nằm trong số những trường hợp này. Anh có bà ngoại năm nay ở tuổi 70. Gần đến ngày sinh nhật bà, anh quan sát thấy chiếc khăn đội đầu của bà đã cũ rồi, nhớ là bà rất thích ăn bánh pía sầu riêng. Thế là tới hôm sinh nhật, chàng trai 23 tuổi này đã tặng bà chiếc khăn và một cây bánh pía. Bà vui lắm và bật khóc vì đó là lần đầu bà nhận quà sinh nhật. Anh Hải cho biết, gia đình anh không khá giả cho lắm, bản thân chưa từng có sinh nhật chứ đừng nói chi đến ba mẹ hay bà ngoại. Nhưng anh vẫn mơ ước có dịp mừng sinh nhật những người thân yêu. Anh đã dành dụm để có thể mua quà sinh nhật hằng năm, xem đó như mục tiêu dễ thương của mình vậy.
Xem thêm : Mặt dài để tóc gì? Kiểu tóc 2023 giúp nàng thêm xinh, che khuyết điểm
Có những đại gia đình mà con cháu sống riêng, gần đến sinh nhật ông hay bà, các cháu nhắc nhau mua quà, rồi hẹn nhau đến mừng ông bà thêm tuổi mới. Trong các hộp quà đó, chắc chắn có hộp bánh sinh nhật với những nguyên liệu chính người mà “chủ nhân ngày sinh nhật” ưa thích. Hải Ðăng, 25 tuổi (Gò Vấp, TPHCM) cho hay, bà ngoại anh rất thích sô cô la, nên bánh kem mừng sinh nhật bà luôn là bánh kem có hương vị này. Sinh nhật 72 tuổi của bà năm nay, các con cháu vẫn giữ thói quen tặng bánh sô cô la như mọi năm.
Với những người con có điều kiện kinh tế, việc tặng ba mẹ những suất du lịch vào dịp sinh nhật không còn xa lạ, như trường hợp anh Phạm Sơn, 30 tuổi (Q.8, TPHCM). Anh cười ý nhị kể về món quà sinh nhật cho ba mẹ: “Ba mẹ tôi chỉ ngoài 60, nên chuyến du lịch trong năm cũng là dịp để hai người hâm nóng lại tình yêu. Tôi thấy món quà này cũng ý nghĩa, vì ba mẹ tôi lớn lên, lập gia đình lúc đất nước vô cùng khó khăn, trước đây không có điều kiện thảnh thơi nên giờ đây, những chuyến đi du lịch do các con cùng hùn tiền tặng khiến ông bà rất hạnh phúc…”.
Và những bữa ăn hạnh phúc
Sinh nhật cần có bánh kem. Với nhiều gia đình chỉ cần ổ bánh bông lan cắt chia đều và cùng quây quần hát bài sinh nhật cũng đủ ấm lòng. Chị Phạm Thị Lan, 27 tuổi (Q,10) kể, hồi nhỏ, sinh nhật chị thường có ổ bánh bông lan tròn do mẹ làm. Mẹ nói đó là “bánh sinh nhật không kem”. Giờ chị đã đi làm, sinh nhật ba mẹ vẫn là chiếc bánh bông lan chị học từ mẹ, thêm vào con vịt quay cho bữa ăn chiều, đủ mang lại niềm vui cho cả nhà.
Xem thêm : Quần tây âu màu nâu kết hợp với áo màu gì thì hợp?
Hiện nay, nhiều người muốn dùng từ “sinh nhật” thay vì “mừng thọ” đối với ông bà để nghe “trẻ” hơn. Không gì cảm động bằng một bữa trưa khi người ông hay bà tưởng như mọi ngày, rồi bất ngờ các cháu xuất hiện nói câu “chúc mừng sinh nhật ông (bà) ngoại (nội)” và mỗi cháu mang một món ra bày biện, người mang chả giò, người thì vịt quay hay bánh sinh nhật, bánh flan, trái cây tráng miệng… Các cháu chỉ tốn món tiền rất nhỏ nhưng lại tạo nên một bữa họp mặt chung gia đình mừng sinh nhật ông hay bà. Chị Trần Ngọc Thảo (Q.1, TPHCM) vui vẻ nói về ngày sinh nhật của ông bà mình: “Ông bà ngoại tôi có 4 người con và 10 cháu ngoại. Tôi không quên ngày đầu tiên chúng tôi bàn nhau mừng lục tuần ông bà. Ông ngoại mừng trước. Ông chẳng nhớ sinh nhật mình. Khi chúng tôi dẫn xe vào nhà, tay xách tay cầm những bọc trái cây, những hộp thức ăn, ông không hiểu gì cho đến lúc chị họ tôi mở hộp, lấy cái bánh ra, cắm hai cây nến số 60, ông đã khóc vì cảm động. Sau đó vài tháng là đến sinh nhật bà ngoại, cũng mỗi đứa cháu một món. Từ đó năm nào đại gia đình tôi cũng tổ chức sinh nhật cho ông bà. Cũng đã 10 năm rồi. Năm nay chúng tôi mừng sinh nhật thứ 70 của ông. Riết rồi gia đình tôi giống như “gia đình ăn uống”. Hết ăn từng gia đình đến ăn ở nhà ông bà. Nhờ vậy chúng tôi trở nên khắng khít nhau hơn…”.
Ngày nay, không phải gia đình nào cũng tự nấu ăn tại nhà để mừng sinh nhật cha mẹ, ông bà. Vì bận rộn, họ chọn phương án “đặt cỗ”. Một bàn chỉ 4 món từ những tổ nấu ăn bình dân cũng đủ mang lại sự hoành tráng và hạnh phúc cho cả đại gia đình, cũng như những giọt nước mắt cảm động của ông bà. Ðại gia đình chị Ngọc Thu (Q.3, TPHCM) thường đặt 3 bàn mỗi lần sinh nhật ông bà nội.
Sinh nhật, kỷ niệm ngày người ta hiện diện trong cuộc sống. Có người thích sinh nhật. Có người ghét ai nhắc đến ngày này để họ buộc phải nhớ đến tuổi già của mình. Tuy nhiên, với những bậc cha mẹ, ông bà, chắc chắn sẽ vui đến khóc nếu biết rằng các con, các cháu vẫn nhớ đến ngày sinh của mình với tất cả sự trân trọng và yêu thương.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Nguồn: https://leplateau.edu.vn
Danh mục: Kinh Nghiệm