Là đất nước có tình yêu mãnh liệt với môn thể thao vua, ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều các sân bóng đá khác nhau.
Và cũng giống như trên thế giới, chúng ta có nhiều loại giày đá bóng để phù hợp với nhiều loại mặt sân bóng khác nhau.
Bạn đang xem: Các loại bề mặt sân bóng và loại đinh giày bóng đá phù hợp
Vậy có khi nào bạn tự hỏi những bề mặt sân bóng này khác nhau ở điểm nào, và tại sao người ta phải làm ra những loại giày với bộ đế dành riêng cho từng loại mặt sân chưa?
Sân cỏ thật đất cứng – FG (Firm ground)
Đây là loại mặt sân cỏ thật phổ biến nhất ở cả Việt Nam lẫn thế giới. Cái tên nói lên tất cả, sân FG có độ cứng nhất định, mặt sân bằng phẳng và tất nhiên là sử dụng cỏ thật. Mặt cỏ tự nhiên có bề mặt khô, nền đất cứng, ít được tưới nước hoặc nằm trong khu vực không có mưa nhiều, cỏ dài (từ 10mm trở lên). Các sân cỏ thật ở Việt Nam hầu hết là sân cỏ Firm Ground.
Giày FG tất nhiên là để phục vụ mặt sân FG. Đặc trưng của loại giày này là có bộ đinh (móng) dài và có hình dáng góc cạnh. Thường thì các đinh giày FG thường có hình tam giác có cạnh nhọn. Các góc cạnh của đinh giày lúc đó sẽ dễ dàng “cắn” vào mặt cỏ và nền đất để giúp bạn chạy về phía trước.
Ở Việt Nam, có một thời gian nhiều người thường mua những đôi giày FG và..mài bớt đinh để đá trên sân cỏ nhân tạo. Theo mình thì điều này là không nên, vì bạn vừa phá hủy đôi giày, vừa đem lại nguy hiểm cho bản thân.
Tại sao nguy hiểm? Bởi vì những chiếc đinh nhọn và góc cạnh của giày FG được thiết kế để cắm vào bề mặt cỏ thật, vốn trơn hơn mặt cỏ nhân tạo. Nếu sử dụng giày FG trên sân cỏ nhân tạo, các đinh giày sẽ dính rất chặt vào mặt cỏ, do cỏ nhân tạo có độ ma sát và bám dính cao hơn cỏ thật, điều này khiến bạn dễ bị lật cổ chân trong những tình huống chuyển hướng chạy đột ngột, do lúc này bàn chân bạn đang cắm quá chặt xuống mặt sân, còn cổ chân lại xoay đi hướng khác.
Ngoài ra đinh FG quá cao, khi mang trên nền sân quá cứng khiến bạn giống như đang mang một đôi guốc cao gót để chơi đá bóng vậy. Lúc này lực phản hồi từ mặt sân lên đế giày sẽ lớn hơn, và sẽ truyền thẳng vào lòng bàn chân bạn. Vậy nên tất nhiên nó sẽ khiến bạn bị đau chân.
Sân cỏ thật đất mềm – SG (Soft ground)
Loại sân này có mặt cỏ tương tự sân đất cứng FG, nhưng phần đất sẽ mềm và xốp hơn. Loại sân này được tưới thường xuyên hoặc ở những vùng thường xuyên có mưa. Đây cũng là loại mặt sân khá phổ biến ở nước Anh, vì nơi này thường có những cơn mưa bất chợt. Một lý do khác là ở các nền bóng đá tiên tiến, hệ thống sân bãi cao cấp thường sẽ sử dụng loại sân đất mềm này nhiều hơn vì nó có bề mặt êm hơn, an toàn và thoải mái hơn khi thi đấu. Ngoài ra họ có hệ thống bảo dưỡng và tái tạo sân tốt hơn. Vậy nên các bạn có thể thấy các cầu thủ chơi ở giải Ngoại Hạng Anh hay các giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu cũng thường mang loại giày đinh SG này.
Ngoài ra ở các giải đấu hạng cao này, khi cầu thủ ăn mừng, chúng ta hay thấy họ trượt dài trên mặt sân. Chỉ có bề mặt sân SG mới có thể làm được điều này.
Giày đinh SG có ít đinh hơn giày đinh FG, và phần đinh được thiết kế dài hơn, có những đầu tròn nhọn gắn thêm vào. Những đầu đinh này làm từ kim loại hoặc nhựa. Mục đích của phần đinh dài và đầu bọc sắt chính là để nó ngập vào trong nền đất sâu hơn, giúp cầu thủ trụ vững hơn trên nền đất mềm.
Ở Việt Nam loại giày này ít được sử dụng bởi những sân cỏ được tưới thường xuyên thường là các sân thi đấu chuyên nghiệp, nhưng khí hậu nắng nóng luôn làm đất trên sân khô và cứng lại chứ không mềm như ở những nơi khác.
Sân cỏ cao – HG (Hard ground)
Xem thêm : 9+ Dấu hiệu phụ nữ có nhu cầu sinh lý cao, dễ nhận biết!
Đây là bề mặt sân cũng tương tự sân đất cứng FG, nhưng độ dài cỏ cao hơn và mặt sân cứng hơn một chút. Mặt sân này phổ biến ở Nhật Bản hơn các nước khác.
Loại giày đinh này cũng chủ yếu được sản xuất để dành riêng cho thị trường Nhật Bản với bề mặt sân cỏ với những đặc trưng riêng, đinh HG có chiều cao ngắn hơn đinh FG, được bố trí nhiều hơn so với số lượng đinh FG, cũng được làm bằng nhựa cứng với độ bền cao. Do có đinh ngắn hơn đinh FG và số lượng đinh nhiều hơn, nhiều người cũng cho rằng giày đinh HG có thể sử dụng tương tự như giày đinh AG (sân cỏ nhân tạo)
Sân cỏ nhân tạo AG (Artificial grass)
Sân AG là loại sân cỏ nhân tạo có cỏ dài và dày, nền sân cũng có nhiều hạt cao su để tăng độ mềm.
Vì vậy, giày đinh AG cũng có những đinh bằng nhựa cứng và dài. Tuy nhiên đinh AG sẽ ngắn hơn FG và thường ít góc cạnh hơn. Chúng ta thường thấy đinh AG có hình trụ tròn hoặc chữ nhật. Lý do của việc này là bởi cỏ nhân tạo được làm từ nhựa, có độ ma sát cao hơn so với cỏ thật, vậy nên các đinh giày AG không cần quá góc cạnh mà chỉ cần có hình tròn hoặc chữ nhật là đã đủ để bám vào mặt cỏ rồi. Ngoài ra đinh AG cũng ngắn hơn FG bởi mặt cỏ nhân tạo cứng hơn mặt đất thật, vậy nên đinh giày cũng không cắm sâu như đối với FG.
Phần đế giày của những đôi giày AG cũng có thiết kế khác giày FG một chút, với phần viền ngoài của đế (đặc biệt là ở vị trí mũi giày) được làm tràn ra và ôm lên upper hơn. Điều này là bởi cỏ nhân tạo làm từ nhựa, loại vật liệu này hấp thụ nhiệt nhiều hơn so với cỏ thật, vậy nên sân cỏ nhân tạo cũng nóng hơn sân cỏ thật, chưa kể là trong quá trình chạy trên mặt sân thì cỏ nhân tạo cũng sinh ra nhiều nhiệt hơn khi ma sát. Vậy nên phần đế giày AG phải được thiết kế khác biệt để có độ bền cao hơn.
Ở Việt Nam thì giày đinh AG có thể sử dụng được trên những mặt sân cỏ nhân tạo cao cấp, có mặt cỏ đủ cao và sân đủ mềm. Tuy nhiên không phải sân nào cũng có thể mang được giày AG, vậy nên các bạn hãy để ý kiểm tra mặt sân trước khi chơi nhé.
Sân cỏ nhân tạo TF (Turf floor)
Turf nghĩa là cỏ ngắn. Sân TF cũng là sân cỏ nhân tạo, nhưng có phần cỏ rất ngắn và mỏng, đồng thời mặt sân thường có lớp bên dưới là bê tông và ít các hạt cao su. Vậy nên loại sân này cứng hơn so với sân AG. Hãy tưởng tượng mặt sân TF là phiên bản cấp thấp và cũ hơn của sân AG.
Theo mình, đây là mặt sân phổ biến nhất ở Việt Nam bởi chi phí đầu tư không quá cao, và chi phí tu bổ sửa chữa cũng ít, vậy nên có nhiều người làm.
Giày TF thường được chúng ta gọi là giày đinh dăm. Đây là loại giày có đế bằng cao su với những đinh nhỏ và ngắn, ,chi chít khắp toàn bộ bề mặt phần đế giày. Vì sân TF không có quá nhiều cỏ nên giày TF cũng không cần những đinh dài để “cắn” xuống cỏ. Mặt sân cũng cứng, nên phần đế giày TF phải làm từ cao su, bên trong còn có thêm một lớp mút đệm để tăng độ êm và giảm lực tác động ngược từ mặt sân lên bàn chân. Đây là loại giày phổ biến nhất ở khắp các sân chơi tại Việt Nam.
Bạn có mang giày AG lên sân TF được không? Theo mình là không. Vì cũng giống như mình đã nói, giày AG có các đinh cao để cắm xuống phần cỏ nhân tạo dày, trong khi mặt sân TF lại không có nhiều cỏ mà lại còn cứng nữa, vậy nên mang giày AG lên sân TF cũng chẳng khác gì mang một đôi guốc cao gót đi đá bóng. Nguy cơ chấn thương là khá cao đấy nhé.
Các loại giày đinh cỏ nhân tạo “lai” như AG-pro hoặc AGFG
Ngoài những loại giày chơi trên mặt sân tiêu chuẩn như trên, các nhà sản xuất còn có những loại giày đinh khác, thuộc dạng phối hợp “2 trong 1”, dùng để chơi được trên nhiều mặt sân khác nhau.
Với Nike đó là loại đinh giày AG-pro. Đây là loại đinh lai giữa AG và FG, và được Nike giới thiệu là có thể sử dụng trên cả 2 bề mặt này. Còn với Adidas, hãng đồ thể thao nước Đức có cách đặt tên trực tiếp hơn, họ có giày đinh AG/FG – thể hiện loại giày này chơi được trên 2 mặt sân đã nêu.
Tuy nhiên hiệu quả của những loại đinh lai này là điều còn cần phải xem xét, bởi từ xưa đến nay cái gì chuyên cũng tốt hơn, đúng không nào.
Xem thêm : 20+ lời chúc Tết người yêu, Crush ngọt ngào và lãng mạn nhất
Nhưng các bạn vẫn có thể thử sử dụng những loại giày đinh này nếu phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.
Sân Futsal trong nhà – IC (indoor cleats hoặc indoor court)
Đối với mặt sân bóng đá trong nhà, cũng là sân futsal, nền sân thường được lót gỗ, hoặc gạch. Với những loại vật liệu như vậy thì tất nhiên đây là mặt sân cứng nhất trong tất cả các loại sân.
Giày IC thường có mặt đế được làm bằng phẳng, không có đinh, chỉ có những đường rãnh nhỏ trải khắp mặt đế giày, giúp tạo ma sát tốt. Đặc biệt là các dòng giày này luôn luôn phải có một lớp đệm ở phần đế, nhằm giúp giảm chấn động ở bàn chân khi cầu thủ di chuyển trên sân. Phần bộ đệm này ở những mẫu giày futsal cao cấp sẽ được sử dụng những loại vật liệu cao cấp nhất của các hãng giày. Với Nike chính là bộ đệm Lunarlon trước đây hay hiện tại là bộ đệm React, còn với Adidas thì đó là phần đệm Boost.
Ngoài ra, phần đế giày được làm từ một loại cao su đặc biệt có độ bám dính cao để tránh trơn trượt. Chính vì độ bám dính này mà khi ma sát với mặt sân, các bạn sẽ nghe những tiếng “kít kít” vang lên, điều đặc trưng chỉ có sân futsal mới có. Chính vì vậy các bạn sẽ thấy trên phần đế giày của những đôi IC luôn được ghi chú một dòng chữ “Non marking material” bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, dòng chữ này nghĩa là “vật liệu không để lại dấu vết” – tức là phần đế giày được làm từ chất liệu không để lại các vệt màu khi bạn kéo lê đế giày trên sàn. Thường thì dòng chữ này là dấu chỉ cho một đôi giày futsal “đúng chuẩn” và có chất lượng.
Sân futsal ngoài trời hoặc sân đường phố – IC
Vì cũng chung một chất liệu với sân futsal trong nhà là gạch hoặc bê tông, sân futsal ngoài trời hoặc các loại sân bóng đá đường phố cũng sử dụng loại giày đế bằng tương tự như sân sàn trong nhà. Tất cả những đôi giày IC trong nhà đều sử dụng được để chơi ngoài trời. Tuy nhiên vì thời tiết bên ngoài khác nghiệt hơn và bề mặt sân cũng có nhiều dị vật như sỏi đá, cát,…, những đôi giày IC khi sử dụng ngoài trời cũng mau bị hư hỏng hơn.
Với việc những sân futsal ngoài trời hay thể loại bóng đá đường phố (street football) ngày càng phổ biến, những năm gần đây các nhà sản xuất cũng đã chú ý hơn đến việc làm ra những dòng giày dành riêng cho mảng sân này. Đó thường là những đôi giày thuộc dòng giày IC trong nhà, nhưng được gia cố thêm về vật liệu để tăng độ bền và chống chịu thời tiết tốt hơn.
Điển hình của những đôi giày như vậy thuộc về nhà Nike, khi mà nhà sản xuất này từng có những dòng giày dành riêng cho bóng đá đường phố như dòng Nike FootballX trước đây. Những đôi giày thuộc nhóm FootballX của Nike cũng nằm trong những phân khúc quen thuộc như Mercurial, Magista, Hypervenom…vv… nhưng sẽ được phối màu cho phù hợp với điều kiện sân bãi hơn và được phủ thêm một lớp vật liệu bảo vệ lên trên phần upper của đôi giày, để tăng độ bền.
Có thể sử dụng giày đế bằng IC để chơi trên mặt sân cỏ nhân tạo không?
Khi đặt trong điều kiện sân bãi ở Việt Nam, với mình câu trả lời là CÓ. Các sân cỏ nhân tạo ở Việt Nam thường có cỏ thấp, mặt sân cứng, nên việc sử dụng giày đế bằng khi chơi trên bề mặt cỏ nhân tạo này là vẫn khả thi.
Trên thực tế, có khá nhiều người yêu thích việc sử dụng giày đế bằng trên sân cỏ nhân tạo, bởi theo họ, điều này giúp bàn chân được ở gần với mặt sân và quả bóng hơn, dễ dàng thực hiện những động tác “kéo gầm” đặc trưng khi thi đấu thể loại bóng đá mini (đặc biệt là 5v5). Ngoài ra thì ở một thành phố lớn như TP HCM, với việc các sân futsal khá phổ biến, sở hữu một đôi giày đế bằng có thể giúp bạn đá được trên cả mặt sân futsal lẫn sân cỏ nhân tạo. Đây là một lựa chọn khá kinh tế nếu bạn chỉ muốn đầu tư một đôi giày để “chiến” tất cả các mặt trận.
Theo dõi blog của ThanhHung Futsal để biết được những thông tin mới nhất về những đôi giày bóng đá chính hãng đã và sắp có mặt trên thị trường toàn thế giới nhé. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm những đôi giày bóng đá chính hãng phiên bản dành cho mặt sân cỏ nhân tạo và Futsal tại đây.
Hãy cùng đến Thanh Hùng Futsal để trải nghiệm dịch vụ với chất lượng được các ngôi sao hàng đầu thế giới kiểm chứng.
Tham khảo và nhận tư vấn giày thể thao tại:
Thanh Hùng Futsal: Số 27 đường D52, Phường 12, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn: https://leplateau.edu.vn
Danh mục: Kinh Nghiệm