(QLNN) – Nhân lực là nhân tố quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Trình độ phát triển của nguồn nhân lực là thước đo chủ yếu sự phát triển, vì vậy, các quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Trong thế kỷ XX, đã có những quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng do phát huy tốt nguồn nhân lực nên đạt được thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ trong vài ba thập kỷ.
Ở nước ta, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định quan điểm coi con người là trung tâm của sự phát triển, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Hiện nay, trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực (NNL) được coi là một trong ba khâu đột phá của chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đồng thời, phát triển NNL trở thành nền tảng của phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Bạn đang xem: Về công tác đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay
Việc phát triển nhân lực, một mặt, cần phải có tầm nhìn và chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn, nhưng đồng thời, trong mỗi thời kỳ nhất định, cần xây dựng những định hướng cụ thể để từ đó đánh giá thời cơ, thách thức, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân…, trên cơ sở đó đề ra mục tiêu và giải pháp thích hợp cho từng giai đoạn, phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế
Khi nói về NNL, người ta có thể đề cập đến 3 góc độ: số lượng (hay quy mô) NNL, chất lượng NNL và cơ cấu NNL. Số lượng NNL thể hiện thông qua chỉ tiêu quy mô và tốc độ tăng NNL. Về chất lượng, NNL được xem xét trên các mặt: sức khỏe, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất, đạo đức… (hay còn gọi là thể lực- trí lực và tâm lực).
Trong đó, chất lượng NNL giữ vai trò quyết định sự tồn tại của một doanh nghiệp. Theo quan điểm của tổ chức Liên hiệp quốc, chất lượng NNL thể hiện: trình độ lành nghề, kiến thức và năng lực, sức khỏe con người hiện có trên thực tế hoặc có tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội trong một cộng đồng.
Việt Nam đã và đang trong thời kỳ phát triển, hội nhập và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thành công đòi hỏi phải đổi mới một cách căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo để từ đó tạo ra sự đột phá về chất lượng NNL, tạo tiền đề và là chìa khóa để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Công tác đào tạo phải được tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện, phải thực sự trở thành trách nhiệm của mọi tổ chức và cá nhân, trong đó có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp.
Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh và hướng tới nền kinh tế tri thức, các quốc gia đều chú trọng đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Lịch sử phát triển kinh tế thế giới cũng đã chứng minh rằng, muốn đạt được sự tăng trưởng kinh tế cao và ổn định thì nhất thiết phải nâng cao chất lượng NNL thông qua con đường đào tạo.
Với Việt Nam, để không tụt hậu xa so với trình độ chung của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới cần quan tâm và có các chính sách đổi mới công tác đào tạo phát triển NNL.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: xây dựng chiến lược phát triển NNL cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại NNL trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất – kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành.
Xem thêm : Công Thức & Cách Tính Chu Vi Hình Chữ Nhật
Phát triển hợp lý, hiệu quả các loại hình trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đối với đơn vị sử dụng lao động (bộ máy quản lý nhà nước và doanh nghiệp), cần tập trung tạo động lực để thu hút nhân tài theo hướng quan tâm đúng mức tới lợi ích kinh tế và danh dự cá nhân gắn với tinh thần dân tộc; thay đổi tiêu chí, chế độ tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng trên cơ sở tăng cường quyền lực trên thực tế cho lãnh đạo các cấp; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân lực chất lượng cao, xóa bỏ các rào cản về tôn giáo, dân tộc trong việc chọn lựa người tài.
Công tác đào tạo NNL hiện nay về cơ bản đáp ứng được những yêu cầu về hình thức đào tạo, chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Việc xác định nhu cầu đào tạo gặp rất nhiều khó khăn do người dân vẫn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của học nghề. Vấn đề học nghề và hướng nghiệp vẫn chưa vượt qua định kiến về khoa cử bằng cấp, danh vị xã hội, do đó, nhu cầu về công nhân kỹ thuật rất lớn, nhưng số lượng tuyển sinh học nghề lại thấp.
Mặt khác, nhu cầu đào tạo hiện nay không xuất phát từ nhu cầu muốn nâng cao trình độ mà từ nhu cầu lên lương, lên chức dẫn đến đối tượng được đào tạo không đúng yêu cầu của công việc, ngược lại, xuất hiện bộ phận được đào tạo nhưng lại không được sử dụng. Tình trạng trên dẫn đến hiện tượng thiếu tuyệt đối công nhân kỹ thuật nhưng lại thừa tương đối những người đã qua đào tạo nhưng trình độ chuyên môn yếu.
Trong quá trình tổ chức các lớp đào tạo, các phương pháp khoa học mang tính khách quan để đánh giá nhu cầu đào tạo rất ít được sử dụng. Phần lớn nhu cầu đào tạo được xác định từ những đánh giá chủ quan của bộ phận phụ trách đào tạo. Hơn nữa, việc thu hút và mời nhà cung cấp các chương trình đào tạo đánh giá nhu cầu đào tạo thực sự cũng rất ít khi được thực hiện. Đào tạo hiện nay chưa phải là giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề của các cơ quan, doanh nghiệp nhưng những lớp học vẫn được tổ chức thực hiện.
Một vấn đề nữa hiện nay là việc thực hiện các chương trình đào tạo chưa được các doanh nghiệp, tổ chức chú ý đầu tư. Trên thực tế, có một nghịch lý là doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu nhưng lại không quan tâm đến đầu tư cho đào tạo NNL chất lượng cao.
Bên cạnh việc đầu tư cho đào tạo còn hạn chế thì việc đánh giá các chương trình đào tạo cũng thể hiện sự bất cập. Đánh giá các chương trình đào tạo sử dụng các chỉ tiêu như: số lượng người được đào tạo, số lượng ngày, giờ đào tạo, số lượng chương trình đào tạo được thực hiện. Về thực chất, các chỉ tiêu này mới chỉ dừng ở mức độ thống kê khối lượng công việc được thực hiện mà chưa phản ánh hiệu quả công việc, cũng như tác động của đào tạo đối với cá nhân và tổ chức.
Các chỉ tiêu phản ánh mức độ thích hợp của các chương trình như về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức cũng như tác động của các chương trình đào tạo đối với việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ quản lý hầu như chưa bao giờ được thực hiện.
Có thể nói, những khó khăn, thách thức hiện nay đối với công tác đào tạo NNL chủ yếu đến từ quá trình hội nhập. Việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép chuyển dịch lao động trong nội khối được cởi mở hơn, khiến Việt Nam có nguy cơ mất người tài do đãi ngộ kém.
Xem thêm : Bỏ túi danh sách những bài hát tiếng Anh hay nhất vượt thời gian
Việc dịch chuyển lao động toàn cầu cũng gây nguy cơ tương tự, mà biểu hiện đầu tiên là nhiều du học sinh không quay về nước phục vụ sau quá trình học tập ở nước ngoài.
Các khó khăn, thách thức còn đến từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa bởi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lao động chất lượng cao đóng vai trò quan trọng. Việt Nam cần tăng cường nhân lực chất lượng cao ở cả 3 nhóm: lãnh đạo quản lý, khoa học công nghệ và lao động kỹ thuật. Với điểm xuất phát khá thấp, việc bảo đảm cung cấp nhân lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện đang là thách thức rất lớn.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là thách thức trong chuyển biến tư duy nhận thức của mỗi người. Nền kinh tế đã và đang vận hành theo quy luật thị trường nhưng một loạt các vấn đề cốt lõi như: giáo dục và đào tạo, thống kê và dự báo, tuyển dụng và sử dụng… vẫn còn mang hơi hướng quan liêu tập trung, thậm chí còn ở mức lạc hậu. Ngay cả quan niệm về “nhân lực chất lượng cao” cũng có nơi, có lúc còn bị hiểu sai lệch, đồng nhất với bằng cấp.
Một số giải pháp nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực cần chú ý:
Một là, định nghĩa lại (hoặc hiểu cho đúng) về NNL chất lượng cao. Hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng NNL chất lượng cao phải đáp ứng được hai tiêu chí: năng lực và phẩm chất. Năng lực bao gồm các mặt như: trình độ chuyên môn nghiệp vụ, các kỹ năng tiếp thu và truyền đạt, khả năng tự học hỏi và đào tạo…
Phẩm chất bao gồm: đạo đức, tư cách, lòng say mê nghề nghiệp, ý chí vượt khó khăn…Đây chính là những tiêu chuẩn cơ bản trong lựa chọn cũng như đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Hai là, xem lại mối liên kết trong chu trình: đào tạo; bố trí (tuyển dụng, phân công, thu hút); sử dụng; đãi ngộ. Chỉ cần trục trặc trong một khâu là các khó khăn về bảo đảm chất lượng nhân lực sẽ xuất hiện.
Ba là, đưa tư duy của kinh tế thị trường vào hàng loạt các chính sách về đào tạo, tuyển dụng, bố trí và đãi ngộ với nhân lực chất lượng cao, trong đó đặc biệt chú trọng công tác dự báo các nhu cầu của xã hội để định hướng cho việc đào tạo, cung ứng nhân lực; phải coi “sức lao động là hàng hóa” trong thu hút, đãi ngộ, tuyển dụng và phải luôn quan tâm đến quy luật cạnh tranh trong vấn đề cung ứng nhân lực.
Bốn là, phải phát huy lòng yêu nước, vì lợi ích chung của cộng đồng, hiếu học, cần cù, chăm chỉ vào mọi suy nghĩ, mọi hành động để đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ lao động chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm là, đổi mới công tác quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo. Giao cho một số cơ quan nhà nước cùng với các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhanh chóng xây dựng các cơ sở đánh giá và kiểm định chất lượng lao động qua đào tạo, cấp giấy phép hành nghề, đồng thời bắt buộc các doanh nghiệp phải tuyển lao động có giấy phép hành nghề. Có biện pháp để cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên thu nhận thông tin phản hồi về mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đối với “sản phẩm” đầu ra của các cơ sở đào tạo.
Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nghề nghiệp gắn với tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, làm cho các cấp, các ngành và người dân, nhất là thanh thiếu niên hiểu được tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, cần đa dạng hóa nội dung, hình thức thông tin, tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, phương thức truyền thông./.
Tài liệu tham khảo: 1. Nguyễn Văn Hà. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Công ty Sông Đà 1. Tạp chí Lao động và Xã hội, số 572 tháng 12/2008. 2. Trần Đình Hoan. Một số căn cứ để xây dựng chiến lược phát triển đào tạo nghề giai đoạn 2001 – 2010.Tạp chí Lao động và Xã hội số 174, tháng 5/2001. 3. Nguyễn Hữu Dũng. Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực con người ở Việt Nam. H. NXB Lao động – Xã hội, 2003. 4. TS. Phạm Quang Trung, Đề tài cấp bộ: B2006-06-13 “Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội sau khi Việt Nam gia nhập WTO (giai đoạn 2006 – 2010)”, Hà Nội, 2008.
Lê Thị Thu Học viện Hành chính Quốc gia
Nguồn: https://leplateau.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục