Ếch độc và 'ngón tay quyến rũ'
Nhiều loài động vật sử dụng hương thơm để thu hút bạn tình, nhưng một số loài ếch độc đã nâng tầm chiến lược này. Trong quá trình giao phối, con đực của hai loài ếch độc nắm chặt mặt con cái bằng ngón tay phồng to, chứa đầy pheromone. Các nhà nghiên cứu cho rằng những hóa chất này có thể giúp con cái sẵn sàng đẻ trứng.
Rắn giả chết với hiệu ứng đặc biệt
Một số loài rắn đã phát triển kỹ năng giả chết để thoát khỏi kẻ săn mồi. Chẳng hạn, rắn dice (Natrix tessellata) có thể giả chết bằng cách đẩy máu lên miệng và tự bôi lên mình hỗn hợp mùi hôi từ xạ và phân - một bộ ba chiêu thức giúp chúng nhanh chóng thoát khỏi nguy hiểm.
Lưỡng cư nuôi con bằng sữa
Loài caecilian vòng (Siphonops annulatus) cung cấp cho con non một chất lỏng giàu dinh dưỡng, tương tự sữa, được tạo ra trong đường sinh sản. Ngoài ra, con mẹ còn cho phép con non ăn lớp da như một nguồn dinh dưỡng bổ sung.
Tardigrade (gấu nước) và trạng thái chết tạm thời
Tardigrade, còn được gọi gấu nước, nổi tiếng với khả năng chịu đựng điều kiện khắc nghiệt. Chúng có thể sống sót trong môi trường chân không bằng cách cuộn tròn thành một khối, làm chậm quá trình trao đổi chất và biến nội tạng thành trạng thái giống thủy tinh. Các thí nghiệm đã phát hiện ra sự thay đổi hóa học một axit amin trong protein của tardigrade kích hoạt trạng thái này, giúp chúng tồn tại trong điều kiện bất lợi.
Thú cưng có cảm xúc
Nếu bạn gọi tên món đồ chơi yêu thích của chú chó nhà mình nhưng lại đưa cho nó một món đồ chơi khác, đừng ngạc nhiên khi nó tỏ ra thất vọng. Nghiên cứu cho thấy, khi chó được giới thiệu một món đồ chơi bất ngờ, não của chúng tạo ra tín hiệu tương tự phản ứng ngạc nhiên ở con người. Điều này chứng tỏ chó có khả năng hình thành hình ảnh tinh thần về các vật thể. Không chỉ chó, mèo cũng rất biết cách tận hưởng niềm vui. Một cuộc khảo sát với 900 người nuôi mèo cho thấy nhiều chú mèo thực sự thích chơi trò ném bắt, nhưng chỉ khi chúng cảm thấy thích thú.
Đỉa "nhảy" - Bí ẩn kéo dài hàng thế kỷ
Những câu chuyện dân gian về loài "đỉa nhảy" đã khơi dậy cuộc tranh luận kéo dài hàng thế kỷ giữa các nhà sinh vật học: Liệu loài đỉa này có thực sự biết nhảy? Một đoạn video quay bằng điện thoại vào năm 2017 bởi một nhà nghiên cứu dường như đã góp phần trả lời câu hỏi này. Trong video, một con đỉa tại Madagascar thực hiện hành động đầy bất ngờ: nó cuộn tròn cơ thể, phóng mình khỏi chiếc lá và rơi xuống đất. Cảnh tượng này được mô tả như một "cú nhảy khổng lồ". Tuy nhiên, việc xác định liệu chuyển động này có được tính là "nhảy" theo đúng nghĩa hay không vẫn là câu hỏi có thể khiến giới khoa học đau đầu thêm nhiều thế kỷ.
Phạm Linh (Theo Sciences News)