Vẻ đẹp của các loài chim thu hút không ít ống kính của các nhiếp ảnh gia. Bằng việc chụp ảnh và giới thiệu cho công chúng về các loài chim, các nhà nhiếp ảnh góp một tiếng nói quan trọng trong việc bảo vệ động vật hoang dã. Ở Đà Nẵng có nhóm 4 nhiếp ảnh gia là Võ Rin, Nguyễn Thùy Linh, Hà Vũ Linh và Nguyễn Hồng Huy, tuy làm những công việc khác nhau nhưng họ có chung một đam mê săn tìm và ghi vào ống kính vẻ đẹp của các loài chim.
Nhóm “săn chim” đã từng cùng khám phá các khu rừng như: Vườn quốc gia Bidoup - Đà Lạt; Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, Mã Đà, Thác Mai - Đồng Nai; Vườn quốc gia Bạch Mã – Thừa Thiên Huế; Vườn quốc gia Cúc Phương - Ninh Bình… Một số loài chim họ đã chụp được như: Dẽ mỏ thìa, Thiên đường đuôi phướn, Khướu đuôi đỏ, Te Cựa, Gà tiền mặt đỏ, Cắt Amur… là những loài chim quý.
Nhiếp ảnh gia Võ Rin cho biết: "Tôi tham gia nhiếp ảnh từ năm 2006 với nhiều thể loại, nhưng cho tới tháng 09/2018 tôi mới bước chân vào chụp ảnh chim thiên nhiên hoang dã. Khi đứng trước vẻ đẹp rực rỡ của chúng, tôi nhận ra mình cần phải chụp thật nhiều để đưa tới cho mọi người những hình ảnh tuyệt đẹp của các loài chim”. Mới hơn 3 năm theo đuổi đam mê của mình, Võ Rin đã chụp được hơn 420 trong số gần 900 loài chim ở Việt Nam. Một trong những loài chim quí hiếm là Cắt Amur, một loài chim săn mồi thuộc Họ Cắt (Falconidae). Chúng sinh sản ở Đông Nam Siberia và phía bắc Trung Hoa, trú đông ở Nam Phi. Cắt Amur là một trong những loài chim di cư xa nhất, di chuyển từ Đông Á tới miền Nam châu Phi, trên quãng đường dài cả chục ngàn cây số.
Còn với Nguyễn Thùy Linh, một nữ nhiếp ảnh (sinh năm 1991) mới bước chân vào làng nhiếp ảnh từ năm 2018 và bắt đầu với thể loại chụp chim thiên nhiên hoang dã. Khi trải nghiệm những buổi đi săn ảnh chim tại Sơn Trà - Đà Nẵng, Linh nhận ra mình cần phải chụp được chúng để nhiều người thấy được vẻ đẹp của những loài chim trong tự nhiên. Qua gần 3 năm Linh đã chụp được khoảng hơn 300 loài chim ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Linh cho biết: “Thời gian lý tưởng để chụp chim là khoảng tháng 1 kéo dài tới tháng 7, đó là thời gian sinh sản của các loài chim. Tương lai Linh mong muốn được đi nhiều hơn, chụp nhiều hơn, mang hình ảnh chim tới nhiều người hơn để quảng bá rộng hơn về việc bảo tồn các loài chim trong tự nhiên”.
Hà Vũ Linh (sinh năm 1993) thì lại bắt đầu đam mê chụp ảnh chim từ một chuyến đi du lịch: “Một lần đi tham quan bán đảo Sơn Trà, nhìn thấy các cô chú, anh chị chụp ảnh chim, trong tôi bỗng khơi dậy niềm đam mê và từ đó tôi quyết định đầu tư thiết bị để đi chụp. Tôi đã chụp được hơn 200 loài chim khác nhau. Các loài để lại kỉ niệm đáng nhớ cho tôi khi chụp được chúng như Dẽ mỏ thìa, Eurynorhynchus pygmeus. Loài này sinh sản ở Đông Bắc Nga và trú đông ở Đông Nam Á, là loại chim được ghi trong Sách Đỏ thế giới. Đi chụp và tìm hiểu sâu về các loài chim sẽ làm cho bạn cảm thấy say mê vô cùng”.
Để đánh giá những thành công của mình, Vũ Linh đã mạnh dạn tham gia nhiều cuộc thi lớn nhỏ của Việt Nam và thế giới. Nhiều tác phẩm của Linh đã may mắn được chọn triển lãm và in sách.
Nhiếp ảnh gia trẻ Nguyễn Hồng Huy (sinh năm 1995) cũng chỉ mới bắt đầu chơi ảnh từ năm 2019. Anh cho biết: “Những ngày đầu chơi ảnh tôi hay lên núi Sơn Trà, một khu rừng có nhiều động thực vật quý hiếm, là điểm đến du lịch của thành phố Đà Nẵng. Tôi vô tình bắt gặp những chú voọc Chà vá chân nâu và những loài chim lạ. Và thế là yêu thích, rồi về sắm máy ảnh và ống kính đi chụp”.
Lúc đầu những bức ảnh thú vị chụp được Huy thường đưa lên Facebook chia sẻ niềm vui với bạn bè, sau đó anh mạnh dạn gửi tham gia các cuộc thi khác nhau trong nước và quốc tế. Một số tác phẩm được chọn trưng bày trong các cuộc triển lãm tại các cuộc thi như Đa dạng sinh học 2020, Festival nhiếp ảnh Trẻ, Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Spring Photo Contest. Những thành quả đó đã kích thích Huy trong việc tìm tòi, nghiên cứu sâu hơn về những điều thú vị của thiên nhiên. Huy chia sẻ: “Khi đi săn ảnh các loài chim, chúng ta sẽ được ngắm những hành động, những biểu cảm rất dễ thương, những sự nghịch ngợm của chúng và hạnh phúc biết bao khi ghi lại được những khoảnh khắc hiếm hoi, có giá trị về đời chim”.
Admin
Link nội dung: https://leplateau.edu.vn/say-me-ve-dep-cac-loai-chim-1735733710-a4196.html