MTXD - Hưng Yên là nơi bồi lắng, hội tụ và lan tỏa sự phong phú, độc đáo của vùng văn hoá châu thổ sông Hồng. Đây là những nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của Hưng Yên.
MTXD - Hưng Yên là nơi bồi lắng, hội tụ và lan tỏa sự phong phú, độc đáo của vùng văn hoá châu thổ sông Hồng. Đây là những nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của Hưng Yên.
Trong Địa danh học, "Hưng" có nghĩa là hưng thịnh, "Yên" có nghĩa là yên bình, ngụ ý chỉ một vùng đất bình yên, thịnh vượng. Với hơn 550 năm, vùng đất Hưng Yên đã nổi danh từ thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh trước đó với Phố Hiến, vốn là thương cảng đô hội quan trọng bậc nhất ở Đàng Ngoài. Thuyền bè ngược sông Hồng lên Thăng Long “Kẻ Chợ” đều phải dừng ở Phố Hiến đợi giấy phép nên Phố Hiến trở thành tụ điểm sầm uất. Người Tàu, người Nhật và người Tây phương đều đến đấy buôn bán. Vùng đất Hưng Yên nổi danh từ thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh đã nổi tiếng do có Phố Hiến, dân gian có câu “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Hồ Bán Nguyệt sẽ khiến bất cứ ai đến đây nao lòng, thổn thức bởi dáng vẻ cong cong giống như nửa vầng trăng khuyết, nước trong xanh tựa như mảnh gương mà người dân hay gắn với truyền thuyết về mảnh gương Hằng Nga đánh rơi.
Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vùng đất Hưng Yên thời nào cũng có những hào kiệt, danh nhân văn hóa trên nhiều lĩnh vực. Trong huyền sử, có Chử Đồng Tử được phong thánh trong “Tứ bất tử” theo tâm thức dân gian nước ta. Gần 10 thế kỷ khoa bảng dưới thời phong kiến Việt Nam (1075 - 1919), Hưng Yên có 8 trạng nguyên trong tổng số 53 trạng nguyên của cả nước; 205 tiến sỹ được ghi danh trên bia Văn miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, 228 người đỗ đại khoa được ghi danh ở Văn miếu Xích Đằng - Hưng Yên. Trong lĩnh vực quân sự có Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám… Văn học có Nguyễn Trung Ngạn, Đoàn Thị Điểm, Vũ Trọng Phụng; mỹ thuật có Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên; y học có Đại danh y hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; khoa học có Nguyễn Công Tiễu, Phạm Huy Thông… Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc có những chiến sỹ Cộng sản kiên trung, nhà cách mạng kiệt xuất như: Đồng chí Tô Hiệu, đồng chí Lê Văn Lương, Trung tướng Nguyễn Bình, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Thị Cúc, Trần Thị Khang (Vũ Thị Kính)… Trong công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Hưng Yên là nơi bồi lắng, hội tụ và lan tỏa sự phong phú, độc đáo của vùng văn hoá châu thổ sông Hồng. Hưng Yên là vùng đất cổ với hơn 1.800 di tích và trên 500 lễ hội văn hóa truyền thống. Có 446 di tích đã được xếp hạng trong đó có 172 di tích quốc gia, 3 di tích quốc gia đặc biệt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia, đứng thứ 3 cả nước về số lượng di tích cấp Quốc gia (sau Hà Nội với hơn 1200 di tích cấp quốc gia và Bắc Ninh với 204 di tích cấp quốc gia). Ngoài ra còn có 271 di tích cấp tỉnh, 7 bảo vật và nhóm bảo vật quốc gia, hàng trăm làng nghề và làng nghề truyền thống. Hưng Yên đang dần trở thành một địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến với các khu, điểm du lịch của tỉnh như khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến (đền Mẫu, đền Trần, chùa Chuông, Văn miếu Xích Đằng...) gắn với phát triển du lịch đường sông; điểm du lịch di tích đền Đa Hoà - Dạ Trạch gắn với tour du lịch sông Hồng; điểm du lịch di tích đền Đậu An; cụm di tích quốc gia đình Đại Đồng, đình Đanh Xá; di tích đền Ghênh và chùa Nôm, du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Điều đặc biệt là các di tích phân bổ ở khắp các phường, xã tạo thành một quần thể di tích với nền kiến trúc nghệ thuật độc đáo thể hiện một thời kỳ phát triển rực rỡ, là di sản vô giá trong kho tàng văn hóa nhân loại, đồng thời cũng là sản phẩm độc đáo của du lịch văn hóa, tâm linh.
Chùa Nôm - Ảnh: Internet
Đến với Hưng Yên là đến với vùng đất cổ kính với các ngôi đền, chùa cùng các làng nghề truyền thống độc đáo. Bên cạnh đó nét đẹp Hưng Yên còn thể hiện qua sự dân dã, bình dị trong cuộc sống của con người và thiên nhiên nơi đây. Đất đai phì nhiêu, con người cần cù, thuần hậu, xóm làng mọc lên ngày càng nhiều. Cánh đồng lúa thay bãi sú vẹt, thú dữ nhường chỗ cho gia cầm. Là cư dân thuần Việt, đời nối đời định cư sinh sống trên vùng đất ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ nên đã định hình những phong tục tập quán, tâm lý, tính cách của người Hưng Yên và tích tụ trong lòng cả một bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Hưng Yên cổ kính không chỉ tạo ấn tượng bởi những nét văn hóa truyền thống mà còn ở sự độc đáo của nền ẩm thực nơi đây với những món đặc sản nổi tiếng nổi tiếng trong nước và quốc tế như món chả gà Tiểu Quan, gà Đông Tảo, ếch om Phượng Tường, bánh dày làng Gàu, bún thang lươn,cá mòi, chè sen long nhãn, nhãn lồng, tương làng Bần...
Mặc dù là tỉnh duy nhất không có núi, không có biển nhưng Hưng Yên có hệ thống sông ngòi dày đặc, nổi bật là sông Hồng và sông Luộc, với cảnh quan sông nước thơ mộng, có khả năng kết nối với các điểm du lịch. Địa hình đồng bằng với đất đai màu mỡ, phù hợp trồng trọt các loại hoa cây ăn quả, cây dược liệu, tạo nên nhiều cảnh quan hấp dẫn với những đồng quê, làng hoa. Đây là những nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của Hưng Yên.
Hưng Yên có hệ thống giao thông quan trọng nối giữa các trung tâm kinh tế của vùng đồng bằng Bắc Bộ, những tuyến giao thông huyết mạch kết nối và lan toả không những trong tỉnh mà còn trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, qua đó đã thúc đẩy giao thương, sản xuất phát triển, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư và đẩy mạnh quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh; là động lực to lớn để Hưng Yên phát triển. Với vị trí địa thế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, giữa các tuyến giao thông quan trọng, đặc biệt giai đoạn từ năm 1997 đến nay, Hưng Yên nhanh chóng đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tự cân đối ngân sách địa phương và có đóng góp cho ngân sách trung ương; đồng thời thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, chính trị xã hội ổn định. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khu đô thị mới quy hoạch và xây dựng hiện đại, văn minh như: Khu đô thị Ecopark, V-Green City Phố Nối, Khu đô thị New City Phố Nối, Khu đô thị đại học Phố Hiến…Sản phẩm công nghiệp của tỉnh rất đa dạng là dệt may, giày da, ô tô, xe máy, điện tử, điện dân dụng, công nghiệp thực phẩm, cơ khí chính xác, thép xây dựng... Cơ cấu theo hướng phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ đang là chủ đạo.
Đặc sản nhàn lồng Hưng Yên. Ảnh: Internet
Trong xu thế dòng chảy của du lịch hiện đại, vùng đất Hưng Yên vẫn giữ cho mình một chỗ đứng riêng trong nhịp thăng trầm cổ kính, không ồn ào, phô trương nhưng vẫn tấp nập dòng người đến tham quan, vãn cảnh. Chính đặc trưng đó đã giúp Hưng Yên trở thành một trong những điểm du lịch văn hóa truyền thống hấp dẫn, đậm đà bản sắc ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Về Hưng Yên bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng có thể bắt gặp được không khí hân hoan, ấm áp của những lễ hội truyền thống gắn liền với các di tích. Toàn tỉnh có 364 lễ hội các loại, trong đó có 326 lễ hội dân gian, 22 lễ hội tôn giáo, 13 lễ hội tín ngưỡng, 3 lễ hội được bảo tồn theo dự án văn hóa phi vật thể, đó là lễ hội đền Đậu An xã An Viên (Tiên Lữ), lễ hội rước nước tại đền Đa Hòa xã Bình Minh, đền Hóa xã Dạ Trạch (Khoái Châu) và lễ hội Cầu mưa xã Lạc Hồng (Văn Lâm)... Hệ thống lễ hội này đã giới thiệu và chứng minh sinh động về vùng đất, con người Hưng Yên trong quá khứ và hiện tại, với những nét đặc trưng, những giá trị văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của Hưng Yên nói riêng, vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung. Đó chính là nét đặc sắc riêng trong đời sống văn hóa của người dân vùng đất được mệnh danh là “tiểu Tràng An”. Ở Hưng Yên, mỗi một công trình tôn giáo, tín ngưỡng cổ kính ẩn chứa trong mình một câu chuyện riêng đầy ly kỳ, triết lý. Mỗi một lễ hội lại mang một màu sắc, ý nghĩa riêng, đã tạo nên không gian văn hóa vừa đa dạng hình thức, song cũng vô cùng đậm đà bản sắc.
Hưng Yên không được nhiều thế mạnh về danh thắng, cảnh quan, song chính con người nơi đây, qua bao đời ghi - giữ lịch sử, đã để lại cho hậu thế biết bao giá trị nhân văn đẹp đẽ. Tỉnh Hưng Yên đang tiếp tục phấn đấu để trong tương lai không xa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thông minh và phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa trung tâm đồng bằng sông Hồng, xứng đáng là vùng đất văn hiến, địa linh nhân kiệt, có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Thu Thủy
Admin
Link nội dung: https://leplateau.edu.vn/hung-yen-vung-dat-binh-yen-va-hung-thinh-h-1735960210-a4952.html