Trong cái rét nàng Bân còn vương lại, và những cơn mưa phùn cuối xuân, tháng 3 đến mang theo mùa hoa gạo nở đỏ rực cả một góc trời, khiến lòng người ngẩn ngơ, nhung nhớ...
Có một thiên đường hoa gạo ở Tây Bắc, đó là huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Dọc theo quốc lộ 6B, hoa gạo nhuộm đỏ khắp các triền đồi, nghiêng soi in bóng xuống sông Đà, nhiều nhất là khu vực cầu Pá Uôn.
Dọc các triền đồi bên sông Đà ở Quỳnh Nhai đang rực đỏ sắc hoa gạo, trở thành điểm hẹn cho du khách yêu khung cảnh thơ mộng, thả hồn trong thời điểm giao mùa của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
Khung trời tháng 3 ở những bản của người Thái không chỉ là vẻ đẹp bình yên, mà còn nhuốm màu tâm linh với những cây hoa gạo cổ thụ rực rỡ tại Đền thờ Linh Sơn Thủy Từ, nơi có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao 32m nổi bật bên hồ thuỷ điện Sơn La…
Không chỉ tô đẹp cho núi rừng Tây Bắc, từ xa xưa, bông gạo còn được phụ nữ dân tộc Thái dùng để may đệm làm quà tặng cho gia đình nhà chồng khi về làm dâu, thể hiện tấm lòng hiếu thảo và sự đảm đang, khéo léo.
Đa số các bức ảnh về hoa gạo được tác giả đặc tả là ở Quỳnh Nhai, ngoài ra còn vô số khoảnh khắc hoa gạo đỏ rực đến nao lòng ở khắp ngả đường tác giả đi qua.
Tháng 3, tháng của mùa xuân vẫn còn vương vất, tháng của giao mùa giữa xuân và hạ, đưa ta đi qua những năm tháng thanh xuân đầy hoài niệm.
Mỗi khi nghe đến tên loài hoa này, là sẽ liên tưởng đến một làng quê bình yên, nơi có đồng ruộng, triền đê, có con đường làng đầy nắng và thoang thoảng hương thơm mùi lúa mới.
Loạt ảnh về hoa gạo khiến nhiều người xao xuyến bởi ký ức đâu đó về thủa ban đầu lưu luyến ấy, về những miền quê yên ả…
Ơi bông hoa gạo đỏ
Rụng đầy bến sông quê
Chiều mùa xuân đi vội
Bến đợi người trở về…
Phóng sự ảnh: Tiến Luyến
Nội dung: Thanh Nhung