Từ các thương hiệu danh tiếng toàn cầu như Hermès, Iphone, Chivas Regal, Land Rover, Ferrari[1] cho đến thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, thuốc lá Vinataba đều đã từng bị đăng ký trái phép (trademarks squatted) ở Trung Quốc. Một trong những nỗ lực đáng kể của Trung Quốc để đối phó với hiện tượng chiếm đoạt thương hiệu của người khác và tuân thủ cam kết quốc tế ở Công ước Paris và Hiệp định TRIPs là Trung Quốc xây dựng cơ chế bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Bross & Partners khái quát chung về công nhận nhãn hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc.
Chống hành vi làm lu mờ danh tiếng (anti-dilution) bằng nhãn hiệu nổi tiếng
Bạn đang xem: Khái quát chung về công nhận nhãn hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc
Với 9,3 triệu đơn đăng ký nhãn hiệu nộp tại Cơ quan sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA) năm 2020 một mình Trung Quốc chiếm 55,5% so với 17 triệu đơn nộp trên toàn cầu.[2] Lượng đơn nhãn hiệu lớn và tăng nhanh kéo theo hệ quả tiêu cực là hiện tượng nhiều chủ thể Trung Quốc nộp hàng ngàn đơn đăng ký nhãn hiệu ở các nhóm khác nhau, trong đó gồm nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của người khác. Ví dụ, theo một báo cáo của INTA, Zhuhai Guanrui Trading Co., Ltd, một công ty Trung Quốc, đã nộp 5,753 đơn nhãn hiệu chỉ trong một ngày. Và cũng chính công ty này cùng 14 công ty khác có cùng đại diện theo pháp luật đã nộp trên 70,000 đơn nhãn hiệu trong năm 2018.[3]
Trung Quốc cấp bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu đã đăng ký (nhãn hiệu thông thường) với CNIPA một cách có giới hạn, cụ thể phạm vi quyền độc quyền mà chủ sở hữu nhãn hiệu đó được hưởng chỉ có thể giúp ngăn chặn đối thủ cạnh tranh xin đăng ký hoặc sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gắn liền với sản phẩm trùng hoặc tương tự khi so sánh với nhãn hiệu đã đăng ký đó. Ví dụ 1: IPHONE/Đăng ký 6304198 cho đồ da ở nhóm 18 của Xington không tương tự với “i-phone”/đăng ký số 4073735 của Apple cho điện thoại di động ở nhóm 09.[4] Cần lưu ý rằng do Trung Quốc áp dụng hệ thống phân loại phụ (sub-class), nên phạm vi bảo hộ nhãn hiệu đã đăng ký còn có thể bị tiếp tục thu hẹp hơn. Chẳng hạn như mặc dù cùng nhóm 25 nhưng nhãn hiệu xin đăng ký A chỉ định sản phẩm theo phân loại phụ 2501-05 (quần áo), 2507 (giày dép) và 2508 (đồ đội đầu) không bị xem là gây nhầm lẫn với nhãn hiệu A1 chỉ định phân loại phụ 2509 (bít tất), 2510 (găng tay), 2511 (cà vạt, khăn quàng cổ) và 2512 (dây lưng).[5]
Vì bản chất của nhãn hiệu là dùng để nhận biết và phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp khác, do vậy về pháp lý, nếu chủ thể khác đăng ký bảo hộ Ferrari, Apple, Land Rover, Chivas Regal cho các sản phẩm khác loại với sản phẩm mà chính chủ thương hiệu Ferrari, Apple, Land Rover, Chivas Regal đã đăng ký/sử dụng thì các nhãn hiệu xin đăng ký đó (dù có thể đang bị công chúng xem là mạo danh) không thể mặc nhiên bị từ chối bảo hộ theo luật, trừ khi các thương hiệu chính chủ này được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng.
Xem thêm : Giày mules / giày sục nam
Theo WIPO, nói một cách đơn giản hơn, về nguyên tắc, các thương nhân khác có thể sử dụng một nhãn hiệu giống hệt cho hàng hóa hoặc dịch vụ khác, miễn là không gây ra nguy cơ nhầm lẫn, liên tưởng hoặc làm lu mờ đặc tính phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng.[6]
Như vậy, chỉ nhãn hiệu nổi tiếng mới có phạm vi bảo hộ rộng hơn so với nhãn hiệu thông thường, và trong nhiều trường hợp nó có thể được bảo hộ xuyên nhóm (cross-class protection), giúp chính chủ ngăn chặn thương hiệu của mình bị đăng ký/sử dụng cho sản phẩm mà họ không kinh doanh hoặc không bao giờ kinh doanh.
Khái quát về công nhận nhãn hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc
Luật nhãn hiệu Trung Quốc 2019 không định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng. Khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng có thể tìm thấy trong Giải thích của Tòa án tối cao Trung Quốc (SPC) năm 2009 hoặc trong Bản quy định về xác định và bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng năm 2014 của Bộ Công thương (SAIC) mà hay gọi tắt là Lệnh số 66. Theo các văn bản hướng dẫn này, nhãn hiệu nổi tiếng được định nghĩa là nhãn hiệu được biết tới rộng rãi bởi công chúng có liên quan ở Trung Quốc. Công chúng có liên quan được hiểu gồm người tiêu dùng có liên quan đến một loại sản phẩm cụ thể mang nhãn hiệu, nhà sản xuất mặt hàng đó hoặc các chủ thể khác cung cấp sản phẩm, người bán và dân chúng có liên quan ở kênh thương mại đó.[7]
Trung Quốc quy định khi xem xét công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét đồng thời cả 3 nguyên tắc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng ở Điều 13 gồm: (1) công nhận thụ động (passive recognition); (2) công nhận dựa theo vụ việc (case-by-case recognition); và (3) công nhận khi có nhu cầu cần thiết (on-demand recognition).
Xem thêm : 101 những lời chúc mừng sinh nhật chồng cực yêu
Điều 14 Luật nhãn hiệu Trung Quốc 2019 quy định một nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng dựa trên cơ sở có yêu cầu của bên liên quan khi giải quyết một vụ việc liên quan đến nhãn hiệu dựa trên cơ sở đánh giá đồng thời 5 yếu tố: (1) mức độ biết đến của công chúng có liên quan đối với nhãn hiệu đó; (2) thời gian mà nhãn hiệu đó được sử dụng liên tục; (3) thời lượng, mức độ và phạm vi địa lý của chiến dịch quảng bá nhãn hiệu đó; (4) lịch sử công nhận bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng; và (5) các yếu tố khác làm cho nhãn hiệu nổi tiếng.
Điều 13 Luật nhãn hiệu Trung Quốc năm 2019[8] quy định việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng cho 3 trường hợp khác nhau. Đầu tiên là bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng chưa đăng ký ở Trung Quốc, theo đó một nhãn hiệu của người khác chưa được đăng ký ở Trung Quốc nhưng nếu được xem là nổi tiếng thì nhãn hiệu xin đăng ký cho sản phẩm trùng hoặc tương tư nộp mà nhãn hiệu xin đăng ký này là bản sao, bản nhái hoặc bản dịch của nhãn hiệu nổi tiếng chưa đăng ký ở Trung Quốc, mà có khả năng gây nhầm lẫn thì nhãn hiệu xin đăng ký phải bị từ chối và việc sử dụng nó sẽ bị cấm.
Đối với nhãn hiệu đã đăng ký ở Trung Quốc (nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký) mà được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng thì trong nhiều trường hợp, phạm vi độc quyền sử dụng nó không chỉ áp dụng đối với tất cả 45 nhóm theo thỏa ước Nice (tức mở rộng tới mọi sản phẩm không tương tự) mà còn được bảo hộ ngăn chặn hành vi tạo bản dịch, bản sao hoặc bản nhái của nhãn hiệu nổi tiếng. Chẳng hạn, nhãn hiệu tiếng Trung “丽思卡尔顿 (phiên âm là “LI SI KA ER DUN”)/đăng ký 5336999 cho dịch vụ bất động sản ở nhóm 36 bị hủy bỏ hiệu lực bởi Tòa trung cấp thứ nhất Bắc Kinh do xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “RITZ-CARLTON” và “丽思卡尔顿”(phiên âm là “LI SI KA ER DUN”) cho dịch vụ khách sạn ở nhóm 43 sau khi nhãn hiệu “RITZ-CARLTON” được tòa án công nhận là nổi tiếng.[9]
Tuy nhiên, đối với nhãn hiệu chưa đăng ký ở Trung Quốc mà được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng (nhãn hiệu nổi tiếng chưa đăng ký) thì chỉ hành vi đăng ký/sử dụng nhãn hiệu khác dưới dạng bản sao, bản nhái, bản dịch gắn liền với sản phẩm trùng hoặc tương tự với sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng không đăng ký mới bị từ chối và cấm sử dụng. Ví dụ, trong vụ Guangzhou KuGou Networks Ltd v. Shantou Lifeng Electric Appliances Ltd liên quan đến nhãn hiệu đã đăng ký “酷狗 & KuGou” (KuGou in Chinese) bị TRAB (Ban giải quyết tranh chấp nhãn hiệu – một bộ phận thuộc CNIPA) hủy hiệu lực do nhãn hiệu không đăng ký KuGou dùng cho dịch vụ nghe nhạc trực tuyến được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, Tòa án sở hữu trí tuệ Bắc Kinh đồng ý với quyết định hủy của TRAB đối với các dịch vụ “giải trí, karaoke…” nhưng không đồng ý hủy bỏ các dịch vụ “câu lạc bộ thể dục, thư viện, đào tạo, xuất bản” cùng ở nhóm 41 vì cho rằng chúng không tương tự với nhau.[10]
Việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật và thực tiễn Trung Quốc có thể thực hiện rong nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến nhãn hiệu gồm: công nhận nhãn hiệu nổi tiếng trong thủ tục phản đối tại Cơ quan nhãn hiệu CTO (một bộ phận thuộc CNIPA); công nhận nhãn hiệu nổi tiếng khi khiếu nại hoặc hủy bỏ hiệu lực tại TRAB; công nhận nhãn hiệu nổi tiếng bởi Sở Công thương (AIC) trong quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính chống lại đối tượng sử dụng trái phép nhãn hiệu nổi tiếng (chưa đăng ký ở Trung Quốc); công nhận nhãn hiệu nổi tiếng bởi Tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp hoặc xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
Cần đặc biệt lưu ý rằng ngay cả khi đã được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, Trung Quốc nghiêm cấm nhà sản xuất và thương nhân sử dụng cụm từ “nhãn hiệu nổi tiếng” trên hàng hóa, bao bì sản phẩm, cũng như nghiêm cấm sử dụng cụm từ này cho quảng cáo, hội chợ triển lãm hoặc các hoạt động thương mại khác.
Nguồn: https://leplateau.edu.vn
Danh mục: Kinh Nghiệm