Giun tóc Trichuris trichiura (T.trichiura) là một loại giun tròn kí sinh ở đường tiêu hoá của người, được mô tả bởi Linne năm 1771. Chu kì phát triển của giun tóc được xác định bởi Grassi năm 1887 và chu kì này được Fulleborn hoàn chỉnh năm 1923. Tình hình nhiễm giun tóc trên thế giới được Cora tổng hợp năm 1938 và được đánh giá là một loại giun phổ biến. Tuy là loại giun phổ biến nhưng số lượng kí sinh trong cơ thể người không nhiều, tác hại thường không nghiêm trọng nên giun tóc chỉ là giun thứ yếu.
Giun tóc rất phổ biến ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm. Ở một vài nước nhiệt đới, tỉ lệ nhiễm cao, có thể trên 90%. Tỉ lệ trung bình khoảng 3060%. Trên thế giới có khoảng 1.048 triệu người mắc (1994), ở Việt Nam có khoảng 40 triệu người nhiễm (1994).
Bạn đang xem: ✴️ Trichuris trichiura- giun tóc
ĐẶC ĐIỂM HÌNH THỂ.
Giun trưởng thành:
Giun tóc là loại giun tròn hình ống, cơ thể chia làm 2 phần rõ rệt, phần đầu nhỏ, phần thân to, thân giun có màu hồng nhạt. Giun đực dài khoảng 35 – 45 mm, giun cái dài 30 – 50 mm. Đuôi giun đực cong, gai sinh dục ở cuối đuôi, có vỏ bao bọc, trên có nhiều gai nhỏ. Đuôi giun cái thẳng. Miệng giun tóc không có môi, thực quản chạy suốt phần đầu, có rất nhiều tuyến tiết hủy hoại tổ chức. Bộ phận sinh dục của giun đực, giun cái đều hình ống, lỗ sinh dục ở chỗ tiếp giáp phần đầu và phần đuôi.
Hình 10.5: Giun tóc T.trichiura trưởng thành.
A: Giun đực; B: Giun cái.
Trứng:
Trứng giun tóc thường có màu vàng đậm, vỏ dày hình quả cau, hai đầu có hai nút nhầy trong suốt. Kích thước 50 – 60 x 20 – 30 µm.
ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC.
Vật chủ: giun tóc kí sinh ở người. Một số tác giả cho rằng giun tóc có thể kí sinh ở lợn (Schwat. 1926), ở một số loài khỉ, ở chim, ở quạ…
Hình 10.6: Trứng giun tóc
Vị trí kí sinh: giun tóc kí sinh ở đại tràng và manh tràng. Cũng có khi kí sinh ở ruột thừa, rất ít khi kí sinh ở ruột non. Khi kí sinh giun cắm phần đầu vào thành ruột để hút máu, phần đuôi ở trong lòng ruột.
Vòng đời: vòng đời sinh học của giun tóc đơn giản, chỉ có một chủ.
Hình 10.7: Vòng đời của giun tóc T.trichiura.
Trứng được thụ tinh theo phân ra ngoại cảnh. Ở ngoại cảnh gặp điều kiện thuận lợi, trứng phát triển tới giai đoạn có ấu trùng bên trong lúc đó có khả năng lây nhiễm trở lại vào người qua đường ăn uống. Thời gian phát triển ở ngoại cảnh trung bình cần khoảng 2 tuần.
Khi người nuốt phải trứng có ấu trùng vào trong ruột, ấu trùng thoát vỏ ở ruột non, rồi đi dần xuống đại tràng, manh tràng, phát triển thành giun trưởng thành ở đó. Thời gian từ khi nhiễm phải trứng tới khi giun tóc bắt đầu đẻ trứng khoảng một tháng. Như vậy giun tóc chỉ có một vật chủ, cần giai đoạn phát triển trứng ở ngoại cảnh. Giun tóc không có chu kì chu du trong cơ thể vật chủ. Giun tóc sống trong người 5 – 6 năm.
Xem thêm : Bạn đã biết 34+ quà tặng sinh nhật cho mẹ thể hiện lòng biết ơn này chưa?
VAI TRÒ Y HỌC.
Người nhiễm giun tóc do ăn phải trứng giun tóc có ấu trùng qua thực phẩm. Trẻ em tay bẩn, có trứng giun cho vào miệng. Trường hợp nhiễm nhẹ, gây ra những tổn thương không đáng kể. Trường hợp nhiễm nặng: hàng trăm giun trưởng thành, giun có thể gây hoại tử niêm mạc ruột, thâm nhiễm tế bào, phản ứng viêm ở lớp niêm mạc ruột. Người ta cho rằng: giun tóc có thể gây ỉa chảy là do chúng gây ra những vết thương ở đại tràng, làm rối loạn quá trình tái hấp thu nước ở đại tràng.
Biểu hiện tại chỗ:
Giun tóc gây tổn thương niêm mạc đại tràng, kích thích các tổn thương ở đại tràng, gây nên các triệu chứng giống lị amíp. Biểu hiện: đau bụng, đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân ít, có lẫn nhầy máu. Trường hợp nhiễm nặng, giun tóc có thể kí sinh ở toàn bộ khung đại tràng. Triệu chứng lâm sàng điển hình, có thể đi ngoài 20 – 30 lần/ngày, mót rặn do tình trạng kích thích niêm mạc, có thể có biến chứng sa trực tràng khi bị viêm đại tràng nặng.
Ngoài các tác hại nói trên, từ tổn thương niêm mạc ruột, có thể dẫn đến hậu quả nhiễm khuẩn thứ phát, bội nhiễm vi khuẩn thương hàn, lao, tả, các vi khuẩn sinh mủ, thường gặp ở trẻ em. Giun tóc có thể gây viêm ruột thừa, nhưng tỉ lệ viêm ruột thừa do giun tóc thấp hơn nhiều so với giun kim.
Biểu hiện toàn thân:
Những người nhiễm giun tóc nặng mới có triệu chứng thiếu máu rõ, điển hình, hồng cầu có thể dưới 1 triệu/ml máu, tỉ lệ huyết sắc tố dưới 40%. Bạch cầu giảm, bạch cầu ái toan tăng không đáng kể, hoặc không tăng. Có thể có tiếng thổi tâm thu, mệt mỏi, phù nhẹ. Các triệu chứng trên thường đi kèm với hội chứng lị. Tuy vậy đa số các trường hợp nhiễm giun tóc không gây triệu chứng lâm sàng rõ rệt, điển hình. Có thể nói tác hại của giun tóc không đáng kể, nếu có thường ở trẻ em.
CHẨN ĐOÁN BỆNH GIUN TÓC.
Thường dễ dàng, dựa vào xét nghiệm phân tìm trứng giun tóc. Trứng giun tóc thường xuất hiện trong phân khoảng 2 tháng sau khi ăn phải trứng giun. Có thể dùng phương pháp xét nghiệm phân trực tiếp. Trong các trường hợp xét nghiệm trực tiếp âm tính, có thể dùng các phương pháp tập trung trứng. Đánh giá cường độ nhiễm giun tóc thường dùng phương pháp Kato – Katz để định lượng.
ĐIỀU TRỊ.
Điều trị bệnh giun tóc tương đối khó khăn do cách bám của giun vào thành ruột. Các thuốc có hiệu lực là oxentel, mebendazole… nếu dùng dưới dạng uống phải dùng viên bọc gelatin vì thuốc có thể làm bỏng niêm mạc miệng, không dùng cho trẻ em.
DỊCH TỄ HỌC VÀ PHÒNG CHỐNG.
Dịch học:
Tình hình nhiễm giun:
Giun tóc là loại giun phân bố khắp thế giới nhưng nói chung mức độ bệnh khác nhau tùy theo vùng. Do sinh thái giống giun đũa nên sự phân bố của giun tóc tương tự như giun đũa.
Những vùng có bệnh giun đũa đều có bệnh giun tóc. Những vùng đồng bằng đông người, chật chội, sử dụng phân người trong canh tác thì có tỉ lệ nhiễm giun tóc cao. Những vùng đồi núi thưa dân có tỉ lệ nhiễm thấp hơn.
Tỉ lệ nhiễm giun tóc ở Việt Nam:
Miền Bắc:
- Vùng đồng bằng: 58 – 89%.
- Vùng trung du: 38 – 41%.
- Vùng núi: 29 – 52%.
- Ven biển: 28 – 75%.
Miền Trung:
- Đồng bằng: 27 – 41%.
- Miền núi: 4,2 – 10,6%.
- Ven biển: 12,7%.
Xem thêm : 14 Món quà tặng cho người nước ngoài ý nghĩa, đậm sắc Việt
Miền Nam:
- Đồng bằng: 0,5 – 1,2%.
- Ven biển: 68%.
- Tây Nguyên: 47%.
Cũng như bệnh giun đũa, bệnh giun tóc có ở mọi lứa tuổi, nhưng tính chất nhiễm theo lứa tuổi khác với giun đũa ở những đặc điểm sau:
- Lứa tuổi nhỏ dưới 1 tuổi hầu như không nhiễm giun tóc. Như vậy bệnh giun tóc không nhiễm sớm như bệnh giun đũa, nguyên nhân có thể do giun tóc có mật độ khuếch tán ngoại cảnh thấp hơn so với giun đũa.
- Lứa tuổi từ 2 – 3 tuổi vẫn có mức độ nhiễm giun tóc thấp, như vậy chứng tỏ giun tóc thường nhiễm muộn.
- Lứa tuổi trên 3 tuổi: bệnh giun tóc tuy tăng dần theo tuổi nhưng không có hiện tượng tăng vọt đột biến.
- Lứa tuổi cao hơn 35 – 60 tuổi: bệnh giun tóc chưa có những biểu hiện giảm tỉ lệ bệnh. Điều này chứng tỏ do tình trạng kiến lập miễn dịch của giun tóc không đáng kể, mặt khác tuổi thọ của giun tóc dài hơn nhiều so vói giun đũa nên bệnh khó tự hết và không có hiện tượng giảm bệnh tự nhiên theo tuổi. Tác giả Smirnov cho rằng, tuổi thọ giun tóc kéo dài khoảng 6 năm nhưng căn cứ vào đặc điểm là tỉ lệ bệnh còn cao ở những người nhiều tuổi và tái nhiễm không hoàn toàn dễ dàng, có thể dự đoán tuổi thọ của giun tóc dài hơn 6 năm nhiều.
Sự phân bố giun tóc không có những thay đổi theo giới: nam, nữ nói chung nhiễm với tỉ lệ xấp xỉ như nhau.
Nếu chỉ tính số người nhiễm, trên thế giới ước tính châu Á có khoảng 227 triệu người nhiễm, châu Phi: 28 triệu, Liên Xô (cũ): 27 triệu, Nam Mĩ: 34 triệu.
Cũng như trứng giun đũa, trứng giun tóc được phân bố ở ngoại cảnh một cách tương đối tập trung ở trong nhà, quanh nhà và xung quanh hố xí là những nơi trẻ em phóng uế bừa bãi. Nhưng khác với trứng giun đũa, trứng giun tóc có hình thể dễ nhận, các gia súc ít nhiễm giun tóc nên ít có sự lẫn lộn giun tóc người và gia súc. Cũng vì vậy có thể dễ dựa vào sự có mặt của trứng giun tóc ở ngoại cảnh để đánh giá mức độ ô nhiễm ngoại cảnh chính xác hơn là dựa vào sự có mặt của trứng giun đũa.
Bộ môn Kí sinh trùng, Trường đại học Y khoa Hà Nội điều tra sự khuếch tán của trứng giun tóc ở ngoại cảnh thấy 16,6% mẫu đất tìm thấy trứng giun tóc, 30% phân ủ có trứng giun chưa bị hủy. Trên 380 ruồi xét nghiệm thấy 1 trứng giun tóc.
Giun tóc có vòng đời sinh học đơn giản hơn giun đũa, bệnh giun tóc phổ biến ở các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, tỉ lệ nhiễm giun tóc 71- 81% (Phạm Tử Dương, 1957). Theo Đỗ Đức Tuy (1987): tỉ lệ nhiễm giun tóc ở miền Bắc Việt Nam: 30 – 81%, ở miền Trung và miền Nam tỉ lệ nhiễm thấp hơn 3 – 5%. Tỉ lệ ở trẻ em thấp hơn so với người lớn.
Nguồn bệnh:
Nguồn bệnh duy nhất là người. Mặc dù có một số tác giả cho rằng nguồn bệnh có thể từ các loài động vật: lợn, khỉ, chim, quạ… nhưng chưa được công nhận.
Mầm bệnh:
Mầm bệnh là trứng giun tóc. Theo Dinnik (1957): trứng giun tóc có sức đề kháng rất cao, trứng đã có ấu trùng vẫn có thể tồn tại đến 5 năm, nhiệt độ phát triển thuận lợi nhất của trứng giun tóc ở ngoại cảnh là 25 – 30ºC với thời gian từ 17 – 30 ngày, tỉ lệ trứng có ấu trùng gần 90%. Nhiệt độ cao quá 50ºC làm hỏng phần lớn trứng (Nolf, 1932). Ở nhiệt độ thấp – 30°C trong 9 ngày, trứng vẫn còn khả năng sống 10%; ở – 20ºC trong 1 ngày, trứng có khả năng sống 30%. Ở xứ lạnh, trứng giun tóc có khả năng sống qua mùa đông, thời gian phát triển tốt nhất của trứng giun tóc vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè. Ở xứ nhiệt đới trứng giun tóc có điều kiện thuận lợi phát triển quanh năm.
Sự liên quan giữa nhiệt độ và độ ẩm rất quan trọng. Qua nghiên cứu thấy ở độ ẩm tối đa (gần 100%), nếu ở điều kiện 22ºC trứng phát triển được tới giai đoạn ấu trùng. Nếu độ ẩm tối đa, với nhiệt độ 30ºC trứng sẽ chết sau 1 tháng. Trứng non có khả năng chịu đựng nhiệt độ cao hơn trứng ở giai đoạn ấu trùng. Trứng giun tóc có khả năng phát triển trong dung dịch axit clohydric 10% khoảng 3 tuần. Trong dung dịch axit nitric 10%, fomalin 10% trứng chết sau 9 ngày. Giống như trứng giun đũa, trứng giun tóc cũng bị hỏng bởi tia tử ngoại của ánh sáng mặt trời, nhưng sức đề kháng cao hơn. Chicobanlova và Garodilova (1950) dùng ánh sáng mặt trời chiếu trong cùng một thời gian, trứng giun đũa chết 100%, trứng giun tóc chết 45%.
Đường lây:
Theo đường tiêu hoá do ăn phải trứng có ấu trùng giai đoạn lây nhiễm.
Biện pháp phòng chống:
Giống như đối với giun đũa, người ta không đặt vấn đề phòng chống riêng bệnh giun tóc vì tác hại ít, đặc điểm dịch học giống giun đũa, nên có thể kết hợp trong phòng chống giun đũa.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp
Nguồn: https://leplateau.edu.vn
Danh mục: Kinh Nghiệm