Song, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Những ngày nghỉ, anh Hà ở nhà mà cứ bồn chồn, nhấp nhổm, thấp thỏm không yên. Rồi nhoắng cái, định nhờ chồng sửa cái bồn rửa bát đang ứ nước, chị Liên gọi thì đã chả thấy chồng đâu.
Ban đầu chị nghi chồng có nhân tình nên những ngày nghỉ chị ra sức... quản lý chồng. Bắt chồng đưa con đi chơi, đi siêu thị, mua sắm, về nội, ngoại vẫn không làm anh khuây khỏa. Thậm chí anh còn trở nên bực dọc, cáu gắt với chị. Rình lúc anh ra khỏi nhà, chị đi theo để... bắt quả tang. Ai ngờ, chồng chị chỉ ra công viên gần nhà.
Chị đang "sôi máu" vì họ hẹn hò quá lộ liễu thì anh... rút thuốc ra hút. Bực mình, chị quay về. Đến lúc anh về nhà, mặt mày tươi tỉnh, sự nghi ngờ, giận dỗi của chị đã bay đi quá nửa nhưng vẫn khiến chị suy nghĩ. Ngày nghỉ nào cũng vậy, anh Hà lấy cớ đi dạo, hóng gió để... ra công viên hút thuốc.
Chị Liên rất khó chịu vì mùi thuốc. Chị còn sợ ảnh hưởng cả đến đứa con gái đầu lòng. Chị cũng sợ ảnh hưởng đến đứa con tiếp theo mà anh chị dự định sẽ sinh trong năm tới.
Lên mạng tìm hiểu, chị Liên càng rùng mình vì những gì mình thu lượm được. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có gần 40.000 người tử vong do sử dụng thuốc lá mỗi năm, có gần 6.000 người chết vì hít phải khói thuốc thụ động, trong đó có rất nhiều trẻ em. Một nghiên cứu khác: Do hút thuốc lá thụ động, ước tính có 379 ngàn trường hợp tử vong do bệnh tim; 165 ngàn viêm nhiễm hô hấp và 36.900 trường hợp bị hen suyễn, 21.400 người bị ung thư phổi.
Cũng theo WHO, khói thuốc là một dạng hỗn hợp khí và bụi, có khoảng 3.800 chất hóa học, trong đó có 40 chất được xếp vào loại gây ung thư, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết dẫn đến những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ… Điều thật sự nguy hiểm hơn, khói thuốc có thể tồn tại trong không khí tới 2 giờ, dù chúng ta không còn nhìn hoặc ngửi thấy nữa. Bởi vậy, những người thường xuyên sống hoặc làm việc cạnh người hút thuốc lá có thể tiếp nhận lượng khói thuốc tương đương việc hút 5 điếu mỗi ngày. Theo Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, cứ mỗi giờ ở cùng phòng với người hút thuốc lá, nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp trăm lần so với việc sống 20 năm trong tòa nhà nhiễm chất độc arsenic.
Một nghiên cứu khác: Mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người chết do hút thuốc lá, 900.000 người chết do hít khói thuốc thụ động. Việt Nam đang nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tỉ lệ hút thuốc ở nam giới đang chiếm mức 45,3%, nữ là 1,1%. Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá - tương đương với khoảng 100 người chết mỗi ngày. Các chuyên gia dự đoán, đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm.
Quá lo lắng trước những thông tin ấy, chị Liên ra "sắc lệnh" cấm chồng hút thuốc lá "toàn tập". Song, anh Hà phản đối kịch liệt. Anh đưa ra lý do... không người đàn ông nào hoàn hảo cả, anh cống hiến cả cuộc đời cho gia đình, công việc rồi, phải để cho anh sống một chút cho riêng mình chứ.
Sau một trận cãi nhau nảy lửa, chị dắt con ra khỏi nhà cho khỏi căng thẳng. Chiều mùa hè nắng đã dịu nhưng vẫn còn nóng như rang. Tìm được bóng cây mát mẻ, ngồi uống tạm chén nước, chị lại càng phát hoảng vì lại gặp thuốc lá. Mỗi chiếc ghế một người đàn ông, một chén trà, một điếu thuốc lá thả khói mù mịt.
Lập tức, chị lại phải đứng dậy đi ngay, vừa dắt con đi dạo vừa nghĩ. Hà Nội nổi tiếng và cũng được nhiều người nhớ tới với các quán xá vỉa hè.
Những quán nước chè ấy đã làm nên một góc nhớ trong tâm hồn của nhiều thế hệ. Ngồi quán nước vỉa hè, uống một chén trà, ăn một chiếc kẹo lạc, hút một điếu thuốc và nhìn ngắm phố phường, chuyện vãn với những người xung quanh, là một đặc điểm thường thấy ở Hà Nội. Và cũng từ quán trà ấy, nhiều người đã nuôi sống cả gia đình, chu cấp cho con ăn học. Từ quán trà ấy, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật được nảy mầm. Song cũng từ quán trà ấy, biết bao nhiêu làn khói thuốc bay lên trời, lẩn vào phổi của đám đông quanh đó. Vô tình thôi, nhưng khói thuốc cứ quấn lấy mình, khiến mình trở thành người hút thuốc thụ động lúc nào không hay.
Chị Liên rất nhớ, cách đây mấy năm, chính quyền thành phố Hà Nội đã phối hợp với WHO để thực hiện dự án “Hà Nội - thành phố không khói thuốc”. Đã có rất nhiều nỗ lực để tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, và ai cũng biết hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe, khiến người ta có thể bị ung thư phổi và nhiều thứ bệnh khác nữa. Đã có những quy định không được hút thuốc lá nơi công cộng hay trong công sở; và cũng đã có những chế tài xử phạt.
Rồi một thời gian trên các phương tiện truyền thông đại chúng đưa ra những hình ảnh gớm ghiếc về lá phổi bị ăn rỗng, về tử thần ẩn họa sau khói thuốc…. Nhưng vẫn rất dễ để bắt gặp hình ảnh người người hút thuốc ở nhiều nơi giữa lòng Thủ đô “văn minh, xanh, sạch, đẹp”: Từ công sở, bến xe, bến tàu, nhà hàng, khách sạn, thậm chí là... trong bệnh viện.
Chẳng biết việc xử phạt đến đâu. Chẳng biết các "quý ông" có nghiêm chỉnh chấp hành hay vẫn tìm cách thỏa mãn niềm đam mê nguy hại sức khỏe của mình như chồng chị. Mà cũng khó thật. Bởi lẽ, ngay giữa Thủ đô, vẫn có một nhà máy sản xuất thuốc lá. Có lẽ, chị Liên sẽ không thể quên được ấn tượng không đẹp về những ngày học trong Trường Đại học KHXH&NV, vừa ngồi giảng đường nghe các giáo sư giảng vừa phải hít thở trong bầu không khí đặc quánh mùi thuốc lá bốc ra từ phía nhà máy sản xuất đối diện. Bây giờ, mỗi lần đi qua đường Nguyễn Trãi, đoạn gần nhà máy sản xuất thuốc lá, nếu chẳng may bắt gặp mùi tẩm, sấy thuốc ấy, chị lại thấy hoa mắt, chóng mặt, đầu óc choáng váng.
Việt Nam bao giờ thoát khỏi danh sách 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới? Bao giờ Hà Nội thực sự là thành phố không khói thuốc? Câu hỏi này thật sự không dễ trả lời dứt khoát, bởi nó phụ thuộc vào chính ý thức của rất nhiều người dân. Nhưng trông chờ vào ý thức là một câu chuyện dài, ẩn chứa nhiều điều rủi ro, thậm chí thất bại. Bởi thế, chị vẫn ước ao cần tiếp tục có những chế tài xử phát thật nghiêm, thật nặng những người hút thuốc nơi công cộng. Song song với đó là đẩy mạnh những biện pháp, phương thức cai nghiện thuốc lá một cách có hiệu quả.
Đi chán, chị Liên lại quay về nhà. Bởi lẽ, suy cho cùng, chồng chị vốn tốt nết, chăm chỉ, yêu vợ thương con. Ở nhà mỗi lúc cãi cọ bao giờ anh ấy cũng là người nhường nhịn, thậm chí nhiều khi còn mang tiếng... sợ vợ. Những việc khác chồng chị đều nghe chị, nhưng riêng thuốc lá thì... Chờ con ngủ, chồng ngủ, chị lại lên mạng, vui mừng khi đọc được thông tin cựu Tổng thống Mỹ Obama vì ngại chọc giận vợ mà đã từ bỏ được thuốc lá.
Theo CNN, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) hồi tháng 9 năm 2013, ông Obama “tâm sự” với nhà vận động nhân quyền Maina Kiai rằng ông đã bỏ thuốc lá được một thời gian dài. “Tôi không hút điếu thuốc nào suốt nhiều năm nay. Đó là vì tôi sợ Michelle”, ông nói và khuyên ông Kiai nên cai thuốc.
Đấy, "lệnh ông không bằng cồng bà", đến ông Obama còn phải bỏ thuốc lá vì sợ uy của vợ thì lẽ nào chồng chị không làm được điều đó? Chị copy đường link bài báo, gửi messenger cho chồng với hy vọng tràn đầy. Tín hiệu chị nhận lại ngay sau đó, anh thả biểu tượng mặt cười, có lẽ là anh cười trừ…