Về bản chất của chủ nghĩa tư bản trong thời đại ngày nay
- Diện tích hình chữ nhật lớp 3: Tổng hợp kiến thức và bài tập luyện thi hay nhất
- Quân khu 2 – Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong Khởi nghĩa Nam Kỳ
- Kiến thức cần nắm và các dạng bài tập về Vị trí tương đối của hai đường tròn
- Tính từ (Adjective) là gì? Cách sử dụng tính từ đúng trong Tiếng Anh
- Các tháng trong tiếng Anh: Cách ghi nhớ và sử dụng chính xác
Kể từ khi ra đời, chủ nghĩa tư bản đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đến chủ nghĩa tư bản độc quyền, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước và ngày nay là chủ nghĩa tư bản hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Khi phân tích về chủ nghĩa tư bản, C. Mác và Ph. Ăng-ghen khẳng định: Chủ nghĩa tư bản, với tư cách là phương thức sản xuất được hình thành và thay thế phương thức sản xuất phong kiến trong lịch sử, là chế độ kinh tế – xã hội tiến bộ hơn nhiều so với các chế độ kinh tế – xã hội trước đó. Đặc biệt, nhờ vận dụng hiệu quả quy luật của kinh tế thị trường, giai cấp tư sản trong quá trình thống trị chưa đầy một thế kỷ “đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”(1).
Mặc dù chủ nghĩa tư bản có vai trò lớn trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội nhanh chóng, song vẫn là chế độ bất công bởi những tiến bộ về kinh tế chủ yếu được sử dụng nhằm phục vụ cho lợi ích giai cấp tư sản, do đó chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì các mâu thuẫn nội tại của nó càng sâu sắc; xu thế xã hội hóa sản xuất không còn khả năng chịu đựng trong vỏ bọc chật hẹp của sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa(2)… Vì thế, chủ nghĩa tư bản tất yếu phải được thay thế bằng chế độ kinh tế – xã hội mới.
Kế thừa và phát triển tư tưởng của C. Mác – Ph. Ăng-ghen, nghiên cứu chủ nghĩa tư bản từ giai đoạn cạnh tranh tự do đến thời kỳ độc quyền (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX), V.I. Lê-nin đã chỉ ra bản chất kinh tế, chính trị của chủ nghĩa tư bản độc quyền, rằng sự phát triển của chủ nghĩa tư bản độc quyền tất yếu dẫn đến sự hình thành của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Về bản chất, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự thống nhất biện chứng giữa quyền lực kinh tế của chủ nghĩa tư bản độc quyền và quyền lực chính trị của nhà nước tư sản, nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, là sự thay đổi về lượng quan trọng để quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phù hợp hơn với trình độ phát triển cao hơn của lực lượng sản xuất dưới chủ nghĩa tư bản. Do đó, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, nhưng là sự phát triển trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản và tiềm năng đó không vô hạn.
V.I. Lê-nin khẳng định, sự phát triển của kỹ thuật và lực lượng sản xuất đã dẫn đến tích tụ sản xuất và độc quyền; ngược lại, sự hình thành của độc quyền thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển thêm. Tiến bộ và những bước đột phá của khoa học – kỹ thuật đã mở ra không gian rộng lớn mới cho sự phát triển của sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh. Chính vì sự phát triển của kỹ thuật và lực lượng sản xuất đã thúc đẩy quá trình xã hội hóa sản xuất và cải biến phát minh kỹ thuật, từ đó tạo ra khả năng giải quyết tạm thời các mâu thuẫn của lực lượng sản xuất đã xã hội hóa và sự chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa vốn đã sâu sắc ngay từ giai đoạn cạnh tranh tự do. Nhưng khi lực lượng sản xuất xã hội hóa thêm một bước, bởi sự thống trị của độc quyền khiến mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản thêm gay gắt, làm cho quan hệ sản xuất, quan hệ kinh tế – xã hội do nó sinh ra có những biến đổi sâu sắc về quan hệ sở hữu và tổ chức quản lý. Thay đổi quan trọng nhất trong quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa là sự đa dạng hóa các hình thức sở hữu, chủ thể và đối tượng sở hữu.
Vai trò điều tiết của nhà nước tư sản cũng có sự điều chỉnh nhất định thông qua các chương trình, kế hoạch hoặc hỗ trợ trực tiếp để xây dựng định hướng phát triển nền kinh tế phù hợp hoặc điều chỉnh thị trường, sự mất cân đối của thị trường. Sự điều chỉnh của nhà nước đối với nền kinh tế khiến vai trò kinh tế của nhà nước chuyển từ yếu tố bên ngoài (yếu tố tạo môi trường, điều kiện cho các hoạt động kinh tế) thành yếu tố bên trong, nội tại mang tính quyết định quá trình tái sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhà nước tư bản hiện đại không chỉ thúc đẩy và điều tiết sự vận động của nền kinh tế, mà còn là một chủ sở hữu lớn, chiếm khoảng 15 – 34% tổng số vốn đầu tư trong sản xuất, kinh doanh của nền sản xuất(3). Do đó, việc quản lý của nhà nước đối với khu vực này là một công cụ được nhà nước sử dụng để điều tiết nền kinh tế.
Ngoài những biến đổi về cơ chế kết hợp nhân sự, sở hữu hay tổ chức quản lý, ở các nước tư bản có sự điều chỉnh trong quan hệ phân phối, thực hiện chức năng xã hội của nhà nước tư sản… Ở các mức độ khác nhau, nhà nước ở các nước tư bản phát triển thể hiện sự quan tâm, coi trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền lợi của người lao động, quy định mức tiền lương tối thiểu, điều kiện làm việc, điều hòa quan hệ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp,…; thông qua chính sách thuế để phân phối lại nguồn thu nhập, chính sách phúc lợi xã hội, an sinh xã hội để hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, giảm bớt sự phân hóa và xung đột xã hội; định hướng doanh nghiệp vào thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường.
Xem thêm : Cách chụp ảnh trên TikTok ĐƠN GIẢN, cực nhanh 2024
Trước những thay đổi đó, có những quan điểm cho rằng chủ nghĩa tư bản ngày nay đã khác về bản chất so với chủ nghĩa tư bản mà các nhà kinh điển C. Mác – Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin đã khái quát. Nhiều người nói đến một xã hội hậu tư bản, một chủ nghĩa tư bản nhân dân hay chủ nghĩa tư bản xã hội trong đó phúc lợi ngày càng được chia đồng đều cho mỗi người và thay cho sự phân cực giàu có và bần cùng(4). Vậy bản chất của chủ nghĩa tư bản trong thời đại ngày nay có thực sự thay đổi? Dưới đây là một số nhận diện về bản chất của chủ nghĩa tư bản trong thời đại ngày nay:
Một là, theo đuổi lợi nhuận đã, đang và sẽ là mục tiêu cao nhất và cuối cùng của các nhà tư bản. Sự giàu có của các nhà tư bản đều là từ nguồn lợi nhuận này, đúng như C. Mác đã khẳng định trong tác phẩm Tư bản luận khi phân tích về chủ nghĩa tư bản, “sản xuất giá trị thặng dư hay lợi nhuận là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất này”(5).
Như vậy, nguồn gốc của lợi nhuận là giá trị thặng dư do công nhân tạo ra trong quá trình sản xuất và “bóc lột” vẫn là bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện đại, được biểu hiện dưới nhiều hình thức “tinh vi” hơn so với chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn tự do cạnh tranh, thể hiện ở tỷ suất giá trị thặng dư luôn tăng lên.
Hơn thế nữa, xem xét quan hệ bóc lột của chủ nghĩa tư bản ngày nay không chỉ bó hẹp trong quan hệ giữa tư bản và người lao động làm thuê ở các nước tư bản chủ nghĩa, mà phải xem xét cả quan hệ thống trị, bóc lột của các nước phát triển với các nước kém phát triển và đang phát triển, thể hiện ở sự phân hóa hai cực giàu – nghèo của thế giới. Bởi vì, trong thời đại chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa, sự bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản đã mang “tính quốc tế”, thay vì hình thức bóc lột như trước đây bằng những hình thức mới, những quan hệ ràng buộc về kinh tế vẫn bảo đảm lợi nhuận siêu ngạch. Vì thế, các hình thức phổ biến, như xuất khẩu tư bản, di chuyển lao động từ nước này sang nước khác, việc bành trướng của các công ty xuyên quốc gia(6), bành trướng về công nghệ, biến nợ nước ngoài thành tư bản đầu tư, các công ty xuyên quốc gia đã kiếm được những khoản lợi nhuận kếch sù. Đây là một trong những hình thức bóc lột của các công ty xuyên quốc gia đối với các nước vay nợ và là hình thức mới trong giai đoạn hiện nay khiến việc sản xuất giá trị thặng dư mang tính quốc tế, được tư bản hóa và xuất khẩu để quốc tế hóa tư bản với sự đa dạng của các hình thức sản xuất ra nó. Như Couldry và Mejias đã khẳng định, “chủ nghĩa thực dân dữ liệu” mở đường cho một giai đoạn mới của chủ nghĩa tư bản(7), khiến đời sống con người không chỉ bị chủ nghĩa tư bản chiếm dụng và trực tiếp khai thác lợi nhuận, mà còn bị chúng giám sát và quản trị liên tục. Dù không dự đoán chính xác rằng liệu giai đoạn mới này sẽ phát triển ra sao và có hình hài cuối cùng như thế nào, chúng ta vẫn có thể “chẩn bệnh” cho trật tự xã hội mới này dựa trên cách mà nó đang hoạt động: bằng sự khai thác lợi nhuận và bóc lột đời sống con người vô hạn.
Hai là, chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn là một chế độ bất bình đẳng.
Bất bình đẳng trong chủ nghĩa tư bản bắt nguồn từ sự bất bình đẳng trong chế độ sở hữu tư liệu sản xuất. Sự phân cực trong vấn đề tài sản tự nó là biểu hiện của tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng ở mỗi nước và trên phạm vi thế giới. Khoảng cách về thu nhập giữa các nước tư bản phát triển và các nước đang phát triển năm 1960 là 30 lần thì hiện nay là 70 lần(8) và giá trị tài sản của các tỷ phú trên thế giới đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Theo đó, tài sản của 1% người giàu nhất cao hơn 74 lần so với 50% người nghèo nhất(9).
Dù đã thực hiện những “điều chỉnh” để thích ứng, song chủ nghĩa tư bản ngày nay không thể xóa bỏ được tình trạng phân hóa giàu nghèo, bất công trong xã hội, mà sự phân hóa còn tiếp tục gia tăng, đưa lại hệ quả xấu là khoét sâu thêm khoảng cách giàu – nghèo, khiến các nước nghèo ngày càng nghèo hơn, các nước giàu ngày càng giàu hơn. Chênh lệch về thu nhập, mức sống, tài sản giữa người giàu và người nghèo trong thế giới tư bản rất lớn, xu hướng ngày càng gia tăng(10).
Chẳng hạn, khi so sánh giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ sinh lời của đồng vốn, Piketty nhận thấy, từ năm 1914 đến năm 1973, tốc độ tăng trưởng cao hơn tỷ lệ sinh lời của đồng vốn, nhờ vậy, đời sống vật chất của người lao động tốt hơn. Tuy nhiên, trong 40 năm tính từ năm 1973, tỷ lệ sinh lời của vốn đã tăng lên, vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế đang ngày càng chậm lại; mặt khác, tỷ lệ sinh lời của đồng vốn càng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế thì bất bình đẳng càng gia tăng. Đây chính là đặc điểm tự nhiên của chủ nghĩa tư bản, hậu quả là làm bất bình đẳng nghiêm trọng hơn(11).
Ngày nay, tại chính các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất, sự phân hóa giàu nghèo đã trở nên sâu sắc. Cụ thể, theo báo cáo của Oxfam, từ năm 2020, nhóm 1% những người giàu nhất đang nắm giữ gần 2/3 số tài sản mới của nhân loại, trị giá 42.000 tỷ USD, gần gấp đôi số tài sản của 99% nhóm dân số còn lại(12). Trong đó, số tỷ phú tại Mỹ ngày càng nhiều và giá trị tài sản của họ tăng khoảng 30% kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch COVID-19 và tăng gần 90% trong thập niên qua. Trong khi đó, khoảng 30% lực lượng lao động Mỹ kiếm được chưa đến 15 USD/giờ(14).
Xem thêm : Thứ, ngày, tháng trong tiếng Anh: Cách đọc và viết chuẩn nhất
Trong đại dịch COVID-19, từ tháng 3 đến tháng 9-2020, mức thuế tạm thời đối với 32 tập đoàn thu về số lợi nhuận cao nhất trong thời gian đại dịch có thể lên tới 104 tỷ USD trong năm 2020(14), con số đủ để chi trả cho trợ cấp thất nghiệp của tất cả người lao động và hỗ trợ tài chính cho tất cả người già và trẻ em ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Bên cạnh đó, trong 2 năm đầu của đại dịch COVID-19, tài sản của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi từ 700 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD; trong khi thu nhập của 99% nhân loại giảm xuống và thế giới có thêm hơn 160 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Thực tế các con số này là minh chứng rõ nhất sự bất bình đẳng tại Mỹ cũng như giữa các quốc gia trong những thập niên gần đây.
Sự bất bình đẳng còn thể hiện ở sự phân biệt đối xử giữa các tầng lớp dân cư, đặc biệt là nạn phân biệt chủng tộc, mặc dù nạn phân biệt chủng tộc đã được ngăn chặn một phần, nhưng điều đó không có nghĩa là nạn phân biệt chủng tộc đã giảm.
Ở phạm vi toàn thế giới, sự bất bình đẳng còn được biểu hiện trong mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại vi, tức là mối quan hệ giữa các nước phát triển và đang phát triển. Cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 làm bộc lộ rõ hơn sự phân hóa xã hội ở các nước tư bản phát triển, giữa các nước tư bản phát triển với các nước đang phát triển. Trong khi các nước tư bản tích lũy sự giàu có thì các nước đang phát triển đang phải đương đầu với tình hình nghèo đói, bệnh tật, dốt nát.
Như vậy, dù có điều chỉnh như thế nào thì bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn không hề thay đổi, đúng như nhận định của Đảng ta về chủ nghĩa tư bản “về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công”(15). Sự áp bức, bất công đó thông qua sự thống trị của chủ nghĩa tư bản độc quyền, của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, không chỉ đóng khung trong từng quốc gia – dân tộc, mà được quốc tế hóa hơn bao giờ hết.
Ba là, chủ nghĩa tư bản ngày nay ngày càng bộc lộ bản chất cực đoan, hiếu chiến, tạo lập, củng cố độc quyền cho các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia.
Lịch sử cho thấy, chủ nghĩa tư bản vì mục tiêu lợi nhuận đã sử dụng mọi thủ đoạn để tranh giành thị trường, thuộc địa và phạm vi ảnh hưởng, kể cả chiến tranh xâm lược. Chủ nghĩa tư bản là thủ phạm của hai cuộc chiến tranh thế giới và hàng trăm cuộc xung đột, chạy đua vũ trang trên thế giới trong suốt hai thế kỷ qua.
Với toàn cầu hóa kinh tế, quá trình mở rộng thống trị của tư bản tài chính vượt khỏi biên giới quốc gia, thông qua hoạt động xuất khẩu tư bản, chiếm lĩnh thị trường. Để củng cố và mở rộng sự thống trị của tư bản tài chính, các nước tư bản đã không ngừng tăng chi phí cho việc tăng cường sức mạnh chính trị, quân sự. Sức mạnh kinh tế được hậu thuẫn bởi sức mạnh công nghệ, quân sự, các nước tư bản phát triển ngày nay, đứng đầu là Mỹ đã luôn thực hiện “quy tắc” của quốc gia này đối với phần còn lại của thế giới. Sử dụng vũ lực để buộc các quốc gia phải lệ thuộc, đe dọa quyền tự quyết của các dân tộc, áp đặt giá trị cường quốc kinh tế cho các nền kinh tế ngày càng trở nên phổ biến.
Việc quân sự hóa nền kinh tế, chạy đua vũ trang, hình thành và bành trướng của các tổ hợp công nghiệp quân sự trong phạm vi thế giới của quá trình toàn cầu hóa trong điều kiện thống trị của tư bản độc quyền là biểu hiện của tính phi nhân đạo của chủ nghĩa tư bản. Do chạy theo mục tiêu lợi nhuận độc quyền cao trong sản xuất quân sự đã đẩy các nước tăng cường sản xuất quân sự, chạy đua vũ trang, do đó chi phí tài chính cho sản xuất vũ khí quân sự ngày càng lớn. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố năm 2022, Mỹ dẫn đầu thị trường vũ khí thế giới với chi tiêu quốc phòng đạt 877 tỷ USD, chiếm 39% trong tổng số chi tiêu trên toàn cầu.
Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Nguồn: https://leplateau.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on Tháng mười một 15, 2024 12:07 chiều