Con diều Việt cùng với thú chơi diều, quả thật là một hình ảnh gợi tình, cái tình với quê hương xứ sở, với những hoài niệm miên man không dứt của những đứa con xa quê.
Chơi diều là một cái thú, biết phân biệt tiếng sáo hay dở, âm thanh sáo này khác sáo kia là một nghệ thuật, người biết lựa sáo đeo cho diều lại là một nghệ sĩ tài hoa. Dù mỗi loại diều có thể mang bất cứ loại sáo nào, nhưng người chơi cầu kỳ và điệu nghệ sẽ chọn cho diều con sáo riêng dành cho nó. Vạn vật có cá tính riêng, con diều cũng vậy, nó có cái tính riêng của mình. Nếu giai nhân cốt cách chỉ ưa một màu áo thì con diều cũng chỉ ăn với duy một điệu sáo riêng dành.
So với các trò chơi dân gian khác như ô ăn quan, một trò chơi mang tính chiến thuật, giúp người chơi có khả năng quan sát và tính toán nhanh, hay kéo co là trò chơi đòi hỏi sức khỏe tốt và tinh thần đồng đội, thì thả diều lại là một trò chơi đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo để điều khiển được con diều bay cao, bay xa trên bầu thiên thanh. Chiếc diều phi cao, sáo diều vi vút từng hồi khiến chủ nhân lấy làm thống khoái.
Chơi diều, đa phần là để tiêu khiển, để có những giây phút thả mình giữa không gian bao la gió lộng. Nhưng có lúc cái chơi bình bình lại không đủ kích thích lòng người nên sau vụ mùa nặng nhọc, dân gian lại tổ chức những cuộc thi với diều, đây là lúc người say diều tìm được sân chơi để dụng binh, và chơi diều cũng có thể thành nghề được vậy: