Bóng đè là gì? Dấu hiệu và nguyên nhân lý giải hiện tượng này khi ngủ

Bóng đè là gì? Dấu hiệu và nguyên nhân lý giải hiện tượng này khi ngủ

Bóng đè là gì? Dấu hiệu và nguyên nhân lý giải hiện tượng này khi ngủ

dấu hiệu có người thích mình

Bóng đè thường được nhắc đến như một hiện tượng tâm linh. Vậy khoa học giải thích hiện tượng bóng đè là gì? Vì sao bị bóng đè hay nguyên nhân bị bóng đè ra sao? Cách khắc phục như thế nào?

Bài viết được tư vấn bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Hữu Khánh – Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Bóng đè là gì?

Bóng đè (Sleep Paralysis: liệt khi ngủ) là tình trạng mất kiểm soát các cơ trong khi ngủ, dẫn đến cảm giác không thể cử động tay chân và các bộ phận trên cơ thể trong khi vẫn có nhận thức. Khi bị bóng đè, bạn có thể không thể cử động hoặc nói trong vài giây đến vài phút. Một số người gặp hiện tượng này cũng có thể cảm thấy áp lực đè nặng lồng ngực và cơ thể, cảm giác như bị nghẹt thở. (1)

Nhiều người cho rằng bóng đè liên quan đến hiện tượng tâm linh nên cảm thấy sợ hãi hoặc lo lắng. Khi trạng thái này qua đi, cơ thể trở lại bình thường nhưng bạn có thể cảm thấy bối rối, hoang mang.

Khoảng thời gian xảy ra hiện bóng đè khác nhau ở mỗi người. Có người chỉ diễn ra trong vài giây, có người kéo dài đến 20 phút. Tuy nhiên, thông thường hiện tượng bóng đè chỉ diễn ra trong vài phút.

Nhiều người liên tưởng đến những vấn đề tâm linh khi bị bóng đè

Dấu hiệu bị bóng đè

Bóng đè có triệu chứng đặc trưng là mất trương lực cơ, khiến cơ thể không thể cử động hoặc nói. Người bị bóng đè cũng có thể gặp khó khăn khi thở, cảm thấy tức ngực, hoảng loạn hoặc bất lực; cảm thấy buồn ngủ quá mức, mệt mỏi vào ngày hôm sau.

Ước tính có khoảng 75% người bị bóng đè có thể gặp phải các ảo giác khi ngủ, bao gồm: ảo giác về một người/ hiện tượng nguy hiểm đang hiện diện trong phòng; cảm giác ngạt thở/ có người ngồi trên ngực; cảm giác như đang bay/ dịch chuyển ra khỏi cơ thể… Các ảo giác có thể xảy ra cùng lúc hoặc diễn ra riêng biệt.

Người bị bóng đè có thể cảm thấy như bản thân đang dịch chuyển ra khỏi cơ thể

Lý giải hiện tượng bóng đè dưới góc nhìn khoa học

Theo khoa học, ​​bóng đè được coi là chứng mất ngủ giả, gây ra những hành vi bất thường trong khi ngủ. Hiện tượng này liên quan đến giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM) của chu kỳ giấc ngủ, nên được coi là chứng mất ngủ giả REM. Trong khi, giấc ngủ REM tiêu chuẩn bao gồm giấc mơ sống động cùng với chứng mất trương lực cơ, lại thường kết thúc khi thức dậy. Do đó, con người không thể nhận thức được tình trạng không thể di chuyển này.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, có khoảng 25% đến 50% người Mỹ đã gặp hiện tượng bóng đè khi ngủ ít nhất 1 lần trong đời. Nhiều người sau khi gặp bóng đè cũng bị chứng ngủ rũ, dẫn đến việc ngủ thiếp đi không kiểm soát được. (2)

Nguyên nhân bị bóng đè khi ngủ

Tình trạng bóng đè được giải thích là do khi đang ngủ, não sẽ gửi tín hiệu làm giãn các cơ ở tay và chân. Điều này dẫn đến chứng mất trương lực cơ, giữ nguyên tư thế trong suốt giấc ngủ REM. Lúc này, não sẽ ngăn không cho các cơ ở tay chân chuyển động để bảo vệ bạn không hành động theo giấc mơ, tránh thương tích. Vì thế, khi mơ thấy một ảo giác nào đó nhưng bạn không thể cử động, cảm giác căng cứng tay chân như ai đó đang ngồi trên người, đè và giữ chặt cơ thể mình.

Đến nay vẫn chưa thể xác định chính xác được nguyên nhân gây ra hiện tượng bóng đè. Một số giả thuyết cho rằng, thường xuyên bị bóng đè có thể liên quan đến các vấn đề di truyền. Tuy nhiên, cần thêm các bằng chứng chứng minh giả thuyết này.

Một số giả thuyết khác cũng đề cập nguyên nhân bị bóng đè, dựa trên các nghiên cứu đã được thực hiện:

1. Rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ và các vấn đề về giấc ngủ khác được cho là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bóng đè. Có 38% người bị bóng đè tham gia nghiên cứu mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), một dạng rối loạn giấc ngủ. (3)

Ngoài ra, tình trạng bóng đè cũng phổ biến hơn ở những người bị mất ngủ mãn tính, rối loạn nhịp sinh học và chuột rút chân vào ban đêm.

2. Chứng ngủ rũ

Chứng ngủ rũ có thể làm thay đổi chức năng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não, gây ra các biến chứng trong giấc ngủ REM, bao gồm cảm thấy bị bóng đè trong khi ngủ.

3. Chấn thương tâm lý

Người bị chấn thương tâm lý hay đang có các vấn đề liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần có khả năng bị bóng đè cao hơn. Nghiên cứu cho thấy, người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và đang chịu đựng sự đau khổ về thể chất và cảm xúc có thể thường xuyên gặp hiện tượng bóng đè. (4)

Người mắc chứng rối loạn lo âu, bao gồm rối loạn hoảng sợ, cũng có nhiều khả năng mắc phải tình trạng này hơn.

Stress, căng thẳng làm tăng nguy cơ bị bóng đè khi ngủ

4. Giàu trí tưởng tượng

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người giàu trí tưởng tượng, thường xuyên mơ mộng, có nhiều khả năng bị bóng đè khi ngủ hơn. Tuy nhiên, chưa có kết luận chính xác về mối liên hệ giữa 2 yếu tố này. (5)

Ai có nguy cơ bị bóng đè?

Một số khảo sát đã chỉ ra rằng, cứ 10 người thì có khoảng 4 người gặp hiện tượng bóng đè khi ngủ. Điều đó cho thấy bóng đè là một tình trạng phổ biến, ai cũng có thể gặp. Tuy nhiên, bóng đè sẽ thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên, thường xuyên mơ mộng và có nhiều sự tưởng tượng hơn.

Bên cạnh đó, những người có người thân trong gia đình từng gặp tình trạng bị bóng đè cũng có thể gặp hiện tượng này cao hơn. Các yếu tố khác có thể liên quan đến nguy cơ bị bóng đè khi ngủ bao gồm:

  • Thiếu ngủ
  • Lịch trình ngủ thay đổi
  • Gặp các tình trạng sức khỏe tâm thần như căng thẳng hoặc rối loạn lưỡng cực
  • Ngủ trong tư thế nằm ngửa
  • Có các vấn đề về giấc ngủ khác như chứng ngủ rũ hoặc chuột rút vào ban đêm
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc điều trị ADHD
  • Lạm dụng chất gây nghiện
  • Uống nhiều rượu bia

Hiện tượng bóng đè có nguy hiểm không?

Tình trạng bị bóng đè khi đang ngủ có thể gây ra cảm xúc hoảng loạn, sợ hãi… cho một số người nhưng không xảy thường xuyên đến mức có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý hay sức khỏe nên được xếp trong nhóm các vấn đề về giấc ngủ lành tính.

Tuy nhiên, những người bị bóng đè có thể bị mất ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc trong nhiều ngày do tâm lý hoảng loạn, lo lắng khi ngủ sẽ tiếp tục bị bóng đè. Điều này sẽ gây tình trạng mệt mỏi, uể oải, thậm chí tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Cách chẩn đoán hiện tượng bóng đè khi ngủ

Nếu tình trạng bóng đè xảy ra thường xuyên, bạn nên đi khám chuyên khoa Thần kinh. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra phương pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp bạn ngủ ngon hơn, tránh mơ thấy ác mộng và có cảm giác như bị bóng đè.

Khi bạn đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi: (6)

  • Về triệu chứng, tần suất bị bóng đè, cảm giác như thế nào và tình trạng này bắt đầu khi nào.
  • Về số lượng và chất lượng giấc ngủ, ví dụ: bạn ngủ bao nhiêu giờ vào ban đêm, bạn có cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày hay không.
  • Về tiền sử bệnh lý, bao gồm các loại thuốc đang dùng, bạn có hút thuốc, uống rượu hoặc dùng thuốc không kê đơn không.
  • Sức khỏe tinh thần, ví dụ: bạn có bị căng thẳng hoặc mắc bệnh lý tâm thần tiềm ẩn như rối loạn lo âu hoặc trầm cảm không.
  • Về tiền sử bệnh lý gia đình, có thành viên gia đình nào cũng thường xuyên cảm thấy bị bóng đè không.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện đo đa ký giấc ngủ để xác định xem bạn có mắc phải các vấn đề rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ hay không. Điều này giúp bác sĩ có thể xác định được các vấn đề bạn đang gặp phải để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Cách điều trị bóng đè

Đến nay vẫn có rất ít bằng chứng khoa học về phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho người bị bóng đè. Nhiều người cho rằng tình trạng không phổ biến nên cảm thấy xấu hổ sau khi chia sẻ bản thân bị bóng đè. Hoặc người gặp bị bóng đè có thể liên tưởng đến các hiện tượng tâm linh, làm tăng cảm giác hoảng sợ. Do đó, việc chia sẻ với người bệnh về tình trạng bóng đè dưới góc nhìn khoa học có thể giúp người bệnh cảm thấy yên tâm hơn.

Bên cạnh đó, cần lưu ý thêm một số vấn đề để cải thiện tình trạng bóng đè nếu thường xuyên gặp phải như:

  • Cải thiện vệ sinh giấc ngủ: Do có mối liên hệ giữa tình trạng bóng đè và các vấn đề về giấc ngủ nói chung nên việc vệ sinh giấc ngủ có thể góp phần cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp ngủ ngon hơn vào ban đêm và hạn chế tình trạng bị bóng đè. Nên giữ môi trường phòng ngủ tối và yên tĩnh, mát mẻ.
  • Giải tỏa căng thẳng: Nếu thường xuyên ở trạng thái căng thẳng hay đang gặp các tổn thương tâm lý, tâm trạng không ổn định thì bạn có thể tập yoga hoặc thực hiện các biện pháp thư giãn như ngâm nước ấm trước khi ngủ để đảm bảo không mang những cảm xúc tiêu cực vào trong giấc ngủ.
  • Duy trì ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và tập luyện thể thao thường xuyên để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Cố gắng thư giãn trước khi ngủ

Hiện tượng bị bóng đè khi ngủ phải làm sao?

Không có cách nào để dừng việc bị bóng đè ngay lập tức. Tuy nhiên, bạn có thể nhận thấy rằng mình thoát khỏi tình trạng này sớm hơn nếu bạn tập trung vào những chuyển động nhỏ của cơ thể, như cử động một ngón tay, sau đó tăng dần lên hai ngón tay,…

Nếu bạn thấy một ai đó đang có biểu hiện căng cứng người khi đang ngủ giống với hiện tượng bị bóng đè, bạn có thể chạm vào họ, lay người hoặc nói chuyện với họ. Điều này giúp đánh thức người bị bóng đè và giúp họ thoát khỏi tình trạng này sớm hơn.

Cách phòng ngừa tình trạng ngủ bị bóng đè

Bạn có nhiều khả năng bị bóng đè lặp lại nếu thường xuyên căng thẳng cao độ hoặc ngủ không ngon giấc. Cho dù không có nhiều cách để ngăn hoàn toàn tình trạng bị bóng đè, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ gặp phải bằng một số cách như:

  • Thực hiện cùng một lịch trình đi ngủ và thức dậy mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần.
  • Duy trì một thói quen trước khi đi ngủ để giúp bạn thoải mái và thư giãn, chẳng hạn như nghe nhạc nhẹ hay ngâm chân với nước ấm.
  • Chọn nệm và gối êm ái, mang đến cảm giác thoải mái nhất khi ngủ.
  • Thiết kế phòng ngủ hạn chế tối đa việc có ánh sáng hoặc tiếng ồn lọt vào.
  • Giảm lượng rượu và caffeine sử dụng, đặc biệt là vào buổi tối.
  • Loại bỏ những thứ gây mất tập trung như điện thoại thông minh, tivi, máy tính,… ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.
  • Duy trì thời lượng ngủ 7-9 tiếng mỗi ngày.
  • Nếu bạn có thói quen nằm ngửa, hãy thử đổi tư thế ngủ khác.
  • Nếu mắc các vấn đề như chứng ngủ rũ hay một dạng rối loạn giấc ngủ; vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu hoặc rối loạn lưỡng cực… cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị.
  • Nên trao đổi với bác sĩ nếu bạn gặp hiện tượng bóng đè thường xuyên sau khi dùng thuốc (như thuốc điều trị ADHD).
Hạn chế uống cà phê vào buổi tối để ngủ ngon giấc hơn

Tình trạng bị bóng đè khi ngủ có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng và sợ hãi, làm cản trở bạn có được giấc ngủ chất lượng vào ban đêm. Nếu thường xuyên bị bóng đè, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

This post was last modified on Tháng mười hai 12, 2024 4:54 chiều