Kitsune là gì? Những câu chuyện về loài cáo trong tín ngưỡng của người Nhật

Admin
Thường xuất hiện trong văn hóa dân gian nước Nhật, Kitsune được mô tả là những sinh vật khôn ngoan, tinh ranh và sở hữu nhiều ma thuật bí hiểm.

Thường xuất hiện trong văn hóa dân gian nước Nhật, Kitsune được mô tả là những sinh vật khôn ngoan, tinh ranh và sở hữu nhiều ma thuật bí hiểm.

Kitsune là gì?

Kitsune (狐) là một từ tiếng Nhật để chỉ loài cáo hay hồ ly tinh trong văn hóa dân gian xứ Phù Tang. 

Kitsune là gì?

Ảnh: kimurakami.com

Nguồn gốc Kitsune 

Loài cáo trong truyền thuyết dân gian Nhật Bản có nguồn gốc từ cửu vĩ hồ (cáo chín đuôi hay hồ ly chín đuôi) trong thần thoại Trung Hoa (cửu vĩ hồ cũng xuất hiện trong văn hóa dân gian các quốc gia Đông Á khác). Những câu chuyện cổ xưa của Trung Quốc kể rằng, thần cáo được gọi là hồ ly tinh, có thể có tới chín cái đuôi. Loài cửu vĩ hồ đi vào văn hóa đất nước mặt trời mọc với tên gọi “kyubi no kitsune – 九尾狐”.

Ý nghĩa tên gọi

Trong tuyển tập dị văn viết vào năm 824 từ thời Heian, có một truyền thuyết liên quan đến loài yêu hồ. Chuyện kể rằng, ở vùng Mino (nay là tỉnh Gifu) có anh nông dân tên Ono bấy lâu luôn tơ tưởng đến một cô gái đẹp. Một lần tình cờ, anh chàng gặp được người trong mộng trên một cánh đồng hoang rộng lớn, thế là đã đưa nàng về nhà làm vợ. Cả hai chung sống và có với nhau một cậu con trai. 

Ý nghĩa tên gọi kitsune.

Ảnh: dic.pixiv.net

Trớ trêu thay, người vợ chính là do yêu hồ hóa ra và cuối cùng cô bị một con chó lừa cho hiện nguyên hình, buộc phải trở về với cuộc sống hoang dã ngày trước. Điều may mắn là người chồng vẫn nhất mực thương yêu vợ mình và không ngại gọi nàng về tiếp tục chung sống. Vì trong câu nói của người chồng có cụm từ “kitsune” (来つ寝ー来て寝よ: về nhà ngủ đi). Chính vì vậy mà kể từ đó, loài cáo được đổi từ yakan – tên gọi trước đây thành kitsune.

Đặc trưng của cửu vỹ hồ trong văn hóa dân gian Nhật Bản

Hình dáng

Điểm chung của loài cửu vỹ hồ là sở hữu thân hình nhỏ nhắn với tai nhọn, mõm dài và đuôi rậm. Trong những câu chuyện thần thoại, chúng thường hóa thành người phụ nữ xinh đẹp, yêu kiều với làn da trắng nõn và thân hình mảnh khảnh, toát lên mị lực hút hồn nam giới.

Hình dáng cửu vỹ hồ.

Ảnh: sohu.com

Tuổi thọ

Loài cáo trong tự nhiên thường sống được từ 2 đến 5 năm do bị săn bán, nếu sống trong môi trường nuôi nhốt, chúng có thể sống tới 10 năm hoặc hơn thế. Còn trong các câu chuyện thần thoại, loài cáo có thể tồn tại đến 100 năm và sở hữu khả năng biến thành hình dáng con người. 

Tuổi thọ loài cáo.

Ảnh: Wikipedia

Tương truyền, chúng có thể có đạo hành tu luyện, tu được trăm năm sẽ mọc được 3 cái đuôi và được gọi là yêu hồ, luyện đến nghìn năm thì trở thành loài cáo sáu đuôi (lục vỹ). Và đến khi đạt đến giới cao nhất với chín chiếc đuôi, trở thành cửu vỹ hồ, kitsune sẽ chuyển sang màu lông trắng hoặc vàng.

Sức mạnh

Kitsune là loài quái yêu mang trong mình nhiều sức mạnh kỳ bí và pháp thuật kỳ bí. Với bản tính tinh ranh, chúng thường sử dụng phép thuật biến hóa vào nhiều mục đích khác nhau.

Kitsune-tsuki – chiếm hữu

Kitsune-tsuki (狐憑き) có nghĩa là trạng thái bị chiếm hữu linh hồn bởi loài yêu hồ. Việc chiếm hữu linh hồn thường được loài hồ ly thực hiện với những cô gái trẻ. Chúng xâm nhập cơ thể của họ qua móng tay hoặc giữa ngực. 

Kitsune-bi – hỏa hồ ly

Những yêu quái cáo còn được biết đến là bậc thầy sử dụng sấm sét và lửa. Chúng tạo ra những tia lửa, ánh sáng hay tia chớp nhằm làm mọi người sợ hãi, bối rối hoặc thu hút sự chú ý. Ngọn lửa mà loài hồ ly tạo ra được gọi là “kitsune-bi - 狐火”.

Kitsune-bi - lửa hồ ly.

Ảnh: wattention.com

Hoshi no tama – viên ngọc ma thuật

“Hoshi no tama - 星野玉” là viên ngọc nhỏ chứa đựng sức mạnh của loài yêu hồ được chúng cất giữ trong miệng. Kích thước hoshi no tama của kitsune tỉ lệ thuận với sức mạnh, và khi đạt đến một cảnh giới nhất định, đôi khi loài yêu hồ sẽ đính viên ngọc sức mạnh ở đuôi của mình.

Phân loại

Trong thần thoại Nhật Bản có 2 loại Kitsune thường thấy với những đặc tính trái ngược nhau:

“Zenko - 善狐” (thiện hồ) là những con cáo nhân từ, đảm nhiệm vai trò sứ giả của thần Inari Okami. Ngay cả khi không có chín đuôi, những con kitsune này cũng luôn được miêu tả với hình tượng bộ lông trắng muốt. Trong văn hóa dân gian, những vị sứ giả này đặc biệt thích món đậu phụ chiên thái lát gọi là aburage. 

Những chú cáo thiện lành được xem là sứ giả của thần Inari.

Ảnh: thesupernaturalfoxsisters.com

Những chú cáo lương thiện có sức mạnh xua đuổi tà ác và đôi khi đóng vai trò là linh hồn hộ mệnh. Không chỉ bảo vệ các đền thờ Inari, chúng còn bảo vệ các ngôi làng trong khu vực khỏi lũ cáo gian ác.

“Yako -  野狐” (dã hồ) là những con cáo được xem là yokai (yêu quái), có xu hướng sử dụng khả năng pháp thuật của mình để làm hại dân thường. Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, có những câu chuyện về kitsune độc ác, lừa lọc con người nhắm vào những đặc điểm xấu của loài người như tham lam và kiêu ngạo. 

Chúng hiếm khi tấn công phụ nữ mà thay vào đó thích chiếm hữu họ hơn. Sau đó, sử dụng ngọn lửa đỏ “kitsune-bi” để dẫn dụ những người đàn ông háo sắc.

Những câu chuyện dân gian về loài cáo

Trong văn hóa dân gian xứ Phù Tang, có rất nhiều câu chuyện kể về kitsune yêu một người đàn ông loài người và chọn trải qua cuộc sống trong thế giới con người. Hầu hết những câu chuyện này đều theo cùng một khuôn mẫu: một chàng trai trẻ yêu cô gái xinh đẹp và kết hôn với nhau mà người con trai không biết vợ mình chính là hồ ly. Khi sống trong lốt người, kitsune cho thấy là một người vợ hiền lành, chung thủy. 

Tuy nhiên, khi người đàn ông vô tình phát hiện ra vợ mình là cáo, cô gái phải chạy trốn khỏi dân làng. Một trong những người vợ hồ ly nổi tiếng trong các câu chuyện dân gian là Kuzunoha, mẹ của Abe no Seimei - âm dương sư lừng danh nhất Nhật Bản. 

Ngoài ra khi nhắc đến loài cáo, người Nhật thường nhớ tới truyền thuyết “Kitsune no yomeiri - 狐の嫁入り” – khi trời đang nắng bất chợt bỗng đổ cơn mưa, ẩn cơn mưa bóng mây đó, đám cưới của loài cáo đang được cử hành. 

Tranh vẽ khắc họa cảnh đám cưới cáo

Ảnh: hyakumonogatari.com

Cáo trong tín ngưỡng của người Nhật

Mối liên kết với thần Inari

Theo tín ngưỡng Shinto, người Nhật tin rằng có tới 8 triệu vị thần và mỗi thần đảm nhiệm những nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, Inari Okami là vị thần của gạo, trà và rượu sake; của nông nghiệp và công nghiệp; của sự thịnh vượng và thành công trong thế gian.

Ngày nay, có khoảng 32.000 ngôi đền tại đất nước mặt trời mọc thờ thần Inari, chiếm hơn 30% số lượng đền thờ ở đất nước này. Điểm đặc biệt là trước cổng những ngôi đền này thường có đặt các tượng cáo, loài vật có mối liên kết đặc biệt với thần Inari.

Tượng cáo ở những ngồi đền thờ thần Inari.

Ảnh: heleninjapan.wordpress.com

Những linh hồn cáo gắn liền với hình ảnh bộ lông trắng muốt, đuôi đầy lông gợi nhớ đến những bông lúa trĩu hạt. Chúng là những sinh vật linh thiêng, tượng trưng cho điềm lành, mang lại may mắn cho người xung quanh.

Sự trung thành của Kitsune

Từ xa xưa, cáo đã được xem là động vật đại diện cho thần linh và nông dân Nhật Bản cổ xưa rất tôn sùng loài cáo. Cáo là “thiên địch” của loài chuột gặm nhấm phá hoại mùa màng nên thường được chọn làm người hầu và sứ giả cho các vị Thần Nông.

truyền thuyết còn cho rằng thần Inari vốn dĩ là một con cáo. Vì thế ,có một câu nói lưu truyền trong dân gian ở đất nước mặt trời mọc rằng: “Nếu bạn đối xử tử tế với một con cáo, bạn sẽ nhận lại sự tử tế được đáp trả bởi chính thần Inari”.

Kitsune trong văn hóa đại chúng

Loài cáo kitsune còn xuất hiện trong nhiều bộ truyện tranh, phim hoạt hình và trò chơi điện tử hiện đại. “Kurama -九喇嘛”, hay được biết đến với tên gọi“Kyubi - 九尾” (Cửu Vỹ), một trong mười vỹ thú huyền thoại trong bộ manga đình đám Naruto chính là một con hồ ly có chín chiếc đuôi màu cam với sức mạnh vô song. 

Cửu Vỹ Kurama trong Naruto.

Ảnh: myhotposters.com

leplateau.edu.vn

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)