Nhận biết vết thương bị nhiễm trùng như thế nào? Có cách điều trị không?

Admin
Vết thương không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng. Vậy làm thế nào để nhận biết vết thương bị nhiễm trùng hay cách ngăn ngừa nhiễm trùng khi bị thương?

Vết cắt, trầy xước, hay bỏng,... có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống. Những vết thương hở này nếu không được điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến nhiễm trùng và để lại di chứng. Hầu hết các vết thương không được vệ sinh đúng cách sẽ bị nhiễm trùng trong vòng 24 đến 72 sau khi bị thương. Vết thương bị nhiễm trùng cần phải chăm sóc y tế ngay lập tức nếu không sau khi lành có thể để lại sẹo.

Vết thương bị nhiễm trùng là gì?

Nhiễm trùng vết thương xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào da. Nhiễm trùng có thể chỉ ảnh hưởng đến da hoặc các mô sâu hơn dưới lớp da. Nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra bệnh uốn ván có thể gây chết người. 

Các biến chứng của vết thương bị nhiễm trùng có thể từ tại chỗ đến toàn thân.

  • Biến chứng tại chỗ thường là bị nhiễm trùng lâu lành hoặc không lành được. Điều này thường gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
  • Các biến chứng toàn thân có thể bao gồm viêm mô tế bào, viêm tủy xương hoặc nhiễm trùng huyết,...

Nhận biết vết thương bị nhiễm trùng như thế nào? Có cách điều trị không? 1 Vết thương hở không được vệ sinh kỹ càng sẽ thành vết thương bị nhiễm trùng

Cách nhận biết vết thương bị nhiễm trùng

Sưng đỏ và đau do vết thương là triệu chứng bình thường kéo dài từ 1 - 3 ngày và bắt đầu giảm dần. Nếu vết sưng tấy đỏ kéo dài và lan rộng, kèm theo vết loét thì có thể là dấu hiệu vết thương bị nhiễm trùng. Lúc này cần chú ý có dấu hiệu nhiễm trùng nào xuất hiện để kịp thời xử lý.

Đau mãi không khỏi

Vết thương đau dần lên hơn theo thời gian, đó là dấu hiệu của vết thương bị nhiễm trùng. Tình trạng đau dai dẳng tăng dần là do cơ thể đang chống chọi với vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm. 

Vết thương sưng đỏ kéo dài và lan rộng

Vết thương sưng đỏ thường xuất hiện khi mới chấn thương. Nhưng nếu sau nhiều ngày vết thương có dấu hiệu sưng đỏ, phù nề thì phải cần đến bệnh viện kiểm tra. Có thể vết thương đã bị nhiễm trùng cần đi khám và điều trị kịp thời. 

Vết thương bị mưng mủ và có mùi hôi khó chịu

Vết thương tiết ra mủ, lượng dịch tiết ra ngày càng nhiều. Đồng thời lượng chất lỏng kèm theo mùi hôi cần phải xử lý ngay. Những dấu hiệu này cảnh báo vết thương bị nhiễm trùng nặng cần điều trị càng sớm càng tốt.

Nhận biết vết thương bị nhiễm trùng như thế nào? Có cách điều trị không? 2 Hình ảnh vết thương bị nhiễm trùng

Có thể bị sốt

Tình trạng nhiễm trùng cũng khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và sốt cao. Tiến triển của vết thương ở thời điểm này ngày càng xấu dần và không nên được chủ quan. Cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa để can thiệp và điều trị, vì lúc này vết thương không thể tự kiểm soát được nữa.

Chẩn đoán và điều trị vết thương bị nhiễm trùng

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn và thực hiện khám sức khỏe tổng quát. Bác sĩ sẽ hỏi bạn bị thương như thế nào và từ khi nào. Bạn có thể được yêu cầu làm những xét nghiệm sau: 

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nhiễm trùng. 
  • Chụp X-quang hoặc CT để tìm vị trí nhiễm trùng mô sâu hoặc dị vật trong vết thương. Bạn có thể được cung cấp chất lỏng tương phản để hiển thị hình ảnh rõ ràng hơn. Nếu bạn bị dị ứng với chất tương phản hãy nói cho bác sĩ biết.
  • Nuôi cấy vi khuẩn từ một mẫu chất lỏng hoặc mô lấy từ vết thương. Mẫu này được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra vi trùng gây nhiễm trùng.

Điều trị

Việc điều trị vết thương bị nhiễm trùng tùy thuộc vào dấu hiệu nhiễm trùng vết thương, mức độ nghiêm trọng, vị trí và kiểm tra xem các khu vực khác có bị ảnh hưởng hay không. Việc điều trị cũng có thể phụ thuộc vào sức khỏe và thời gian bạn bị chấn thương. Bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp với bạn nhất: 

  • Thuốc uống điều trị nhiễm trùng, kháng sinh giúp giảm đau và sưng.
  • Xử lí vết thương bị nhiễm trùng bằng cách làm sạch hoặc hút chân không vết thương. 
  • Có thể cần phẫu thuật để làm sạch vết thương hoặc loại bỏ các mô bị nhiễm trùng hoặc hoại tử. Hoặc có dị vật không thể lấy ra bằng cách thông thường cũng cần phải phẫu thuật.
  • Áp dụng liệu pháp oxy Hyperbaric (HBO) để cung cấp oxy cho các mô để lành vết thương nhanh hơn.

Làm thế nào để tránh vết thương bị nhiễm trùng?

Để tránh nhiễm trùng vết thương, hãy rửa vết thương bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý càng sớm càng tốt sau khi bị thương để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn. Thực hiện các bước sát trùng vết thương và băng bó cẩn thận ngay khi phát hiện vì càng để lâu càng nguy hiểm. 

Sau khi làm sạch vết thương, bôi thuốc mỡ để kháng viêm, chống khuẩn. Và không để vết thương tiếp xúc với bụi bẩn, nước hay dùng tay chạm vào. Vì vết thương có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn lây lan qua bàn tay.

Ăn uống đa dạng và lành mạnh. Ví dụ như trái cây, rau, bánh mì nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, đậu, thịt nạc và cá. Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp vết thương mau lành hơn. Bạn cũng có thể cần bổ sung vitamin và khoáng chất.

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem bạn có cần phải thực hiện một chế độ ăn kiêng đặc biệt nào hay không. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát tình trạng sức khỏe nếu bạn có tiền sử cao huyết áp và tiểu đường. 

Nhận biết vết thương bị nhiễm trùng như thế nào? Có cách điều trị không? 3 Để vết thương không bị nhiễm trùng cần vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày

Trên đây là những thông tin giúp bạn điều trị và chăm sóc vết thương bị nhiễm trùng. Để tránh việc vết thương bị nhiễm trùng nặng gây biến chứng, bạn cần sát trùng vết thương càng sớm càng tốt và hỏi ý kiến ​​bác sĩ ngay khi có triệu chứng bất thường xuất hiện.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)