Sự khác nhau giữa Phật Thích Ca và Phật A Di Đà

Admin
(PLVN) - Không ít người thường nhầm tưởng Phật Thích Ca và Phật A Di Đà đều là một vị Phật, hoặc khi được hỏi đều không biết phân biệt ra sao. Trên thực tế, đây là 2 vị Phật tách biệt. Một Vị có thật trong lịch sử và một Vị xuất hiện trong kinh Phật giáo. 

Phật Thích Ca và Phật A Di Đà

Theo sách sử ghi lại, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc giáo chủ cõi Ta Bà. Ngài từng sống trên trái đất này và đã sáng lập ra Phật Giáo. Cõi Ta Bà là cõi đau khổ, chính là trái đất, nơi con người đang sinh sống.  

Ở cõi giới này, Đức Phật Thích Ca giáo hóa chúng sinh, nên người đời tôn xưng Đức Phật Thích Ca là bậc giáo chủ cõi Ta Bà. Ngài là vị Phật lịch sử chứ không phải là một vị Phật huyền thoại.

Còn Phật A Di Đà là vị Phật được tôn thờ nhiều nhất trong Phật giáo Đại thừa. Tên của Ngài nghĩa là Vô Lượng Thọ, nghĩa là thọ mệnh vô lượng và Vô Lượng Quang, ánh sáng vô lượng.

Đức Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Cực lạc an vui ở Tây phương. Trong cuộc đời hoằng Đạo của Đức Phật Thích Ca, rải rác trong các Kinh điển, Ngài đã giới thiệu cho tín đồ của mình về Đức Phật A Di Đà và cõi nước Đức Phật A Di Đà đang giáo hóa chúng sinh. 

Đức Phật Thích Ca sau khi chứng Thánh quả, Ngài có khả năng vận dụng trí tuệ, thần thông thấy biết sự vận hành của tất cả sự vật, hiện tượng, nhân sinh trong vũ trụ một cách chuẩn xác. 

Nhờ khả năng đặc biệt này nên Ngài thấy rõ quá trình tu hành của Đức Phật A Di Đà qua nhiều kiếp. Thấy rõ môi trường sống và đời sống sinh hoạt của chúng sanh ở Tây Phương Cực Lạc do Đức Phật làm giáo chủ. Như vậy, Phật A Di Đà là vị Phật được Đức Phật Thích Ca giới thiệu cho chúng ta. 

Theo lời dạy của Phật Thích Ca, con người nếu muốn sau khi chết được tái sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc thì trong quá trình sống, làm việc luôn hướng về điều thiện, làm điều thiện, siêng năng niệm Thánh hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật, thì khi chết chúng ta sẽ đước tái sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc này. 

Sau khi tái sinh đến cõi này, chúng ta tiếp tục cùng mọi người tu hành theo sự hướng dẫn của Phật A Di Đà cho đến khi chứng đắc Thánh quả giải thoát. 

Hình dáng đặc trưng Phật A Di Đà trên đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, khoác trên người áo cà sa màu đỏ, tượng trưng cho màu mặt trời lặn phương Tây, áo có thể khoát vuông ở cổ, trước ngực có chữ “vạn”.

Tư thế tay Phật A Di Đà có thể trong tư thế đứng, tay làm ấn giáo hóa, tức là tay mặt đưa ngang vai, chỉ lên, tay trái đưa ngang bụng, chỉ xuống, hai lòng bàn tay hướng về phía trước. Trong mỗi tay, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau làm thành vòng tròn.

Phật A Di Đà cũng có thể ngồi kiết già trên tòa sen, tay bắt ấn thiền, tay để ngang bụng, lưng bàn tay phải nằm chồng lên lòng bàn tay trái, hai ngón cái chạm nhau. Trên tay Phật có thể giữ một cái bát, là dấu hiệu cho giáo chủ.

Một dạng khác của ấn thiền ở tượng Phật A Di Đà là các ngón tay giữa, ngón đeo nhẫn và ngón út của hai bàn tay nằm lên nhau, ngón cái và ngón trỏ mỗi tay tạo thành hai vòng tròn chạm nhau. Vì thế, ấn này còn gọi là Ấn thiền A Di Đà.

Phật A Di Đà thường được minh họa cùng hai vị Bồ Tát là Quán Thế Âm bên trái, cầm cành dương và bình nước cam lộ và Đại Thế Chí bên phải, cầm bông sen xanh.

Hình dáng đặc trưng Phật Thích Ca

Tóc Phật Thích Ca có thể búi tó hoặc có các cụm xoắn ốc. Phật Thích Ca mặc áo cà sa hoặc áo choàng qua cổ màu vàng hoặc nâu, nếu có hở ngực thì trước ngực không có chữ "vạn". Phật có thể ngồi trên tòa sen, nhục kế trên đỉnh đầu, đôi mắt mở ba phần tư.

Thường trong các chùa Phật giáo Bắc tông Đại Thừa đều thờ Ngài Phật Thích Ca ở chính giữa chính điện. Nên gọi Ngài là đấng Trung Tôn. Hình tượng Ngài không nhất thiết phải giống người Ấn Độ, vì theo quan niệm Phật giáo Bắc tông, nhất là Thiền tông cho rằng, mỗi người đều có Phật tức là Phật tính nên người nước nào tạc tượng giống người nước đó. Từ nét mặt cho đến hình tướng. Nên hình tượng thờ trong các chùa không nhất thiết phải giống nhau. Đó là xét trên đại thể, còn các chi tiết tương đối giống nhau.

Các nhân vật đi kèm Phật Thích Ca Mầu Ni có thể được minh họa cùng hai vị tôn giả là Ca Diếp, vẻ mặt già, bên trái và A Nan Đà, vẻ mặt trẻ, bên phải. Đây là hai đại đệ tử của Phật Thích Ca khi ngài còn ở thế gian. 

Cũng có nơi thờ tượng Phật Thích Ca ngự trên đài sen là một ý nghĩa tượng trưng siêu thực. Bởi vì hoa sen được biểu thị cho đức tánh thanh tịnh và giải thoát. Hoa sen phát xuất trong lòng vũng bùn nhơ nhớp, mà vẫn tỏa ra mùi hương thanh khiết. Đó là đặc tính không thể tìm được trong các loài hoa khác.

Nằm giữa vũng bùn nhơ nhớp, mà không bị lây nhiễm mùi hôi hám, trái lại còn đầy đủ hương vị thơm tho, đó mới thật là thanh tịnh. Vì cái thanh tịnh ngay giữa chỗ ô uế, mới chân thật thanh tịnh. Nếu hoa sen mọc giữa bãi cát trắng phau, hay trên gò đất khô sạch sẽ, dầu có hương sắc gấp mấy lần hơn vẫn không được quý trọng. Bởi nó chui từ vũng bùn hôi hám mà lên, lại giữ được tánh cách thanh khiết, nên mới được mọi người kính mộ.

Đức Phật Thích Ca cũng thế, trước kia Ngài cũng là một con người như chúng ta, cũng có gia đình, cũng hưởng giàu sang sung sướng, nhưng con người ấy không bị dục lạc làm ô nhiễm, không bị sợi dây gia đình trói buộc.

Ở trong cảnh nhiễm ô dục lạc mà tâm hồn Ngài trinh bạch, ngồi trong tù ngục gia đình mà chí Ngài đã vượt ra ngoài vũ trụ mênh mông. Đức tánh trinh bạch và siêu việt ấy, chỉ có hoa sen mới đủ sức tượng trưng.

Đôi mắt đức Phật Thích Ca đăm chiêu nhìn xuống là biểu thị quán sát nội tâm. Giáo lý Phật dạy là giáo lý nội quan, luôn luôn phản chiếu nội tâm để tự giác tự ngộ. Tâm mình là chủ nhân ông của mọi hành động, mọi nghiệp quả. Ngộ được tự tâm là thấy được nguồn gốc vũ trụ và nhơn sinh.

Vì thế, Phật giáo chủ trương con người làm chủ mọi quả báo an lạc hay đau khổ của mình. Muốn tránh quả khổ đau, cầu quả an lạc, con người phải tự sửa đổi hành vi trong tâm niệm và hành động nơi tự thân mình. Một tâm niệm lành, một hành động tốt sẽ đến cho ta kết quả an vui hạnh phúc. 

Ngược lại, một tâm niệm ác, một hành động xấu sẽ chuộc lấy kết quả khổ đau về nơi mình. Chỉ có ta mới đủ thẩm quyền ban phúc giáng họa cho ta. Sự cầu cạnh, sự van xin nơi tha nhân hay thần linh, nếu có chỉ là phần phụ thuộc không đáng kể. Cho nên, ta phải quán sát lại ta, để luyện lọc tâm tánh và sửa đổi hành động của mình. Ách yếu của sự tu hành là phản quán tự tâm.

Chung quanh tượng Phật Thích Ca có những tia hào quang sáng chiếu để tiêu biểu ánh sáng trí tuệ của Phật lúc nào cũng soi sáng thế gian. 

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)