Thai nhi 14 tuần tuổi là bước ngoặt đánh dấu thai kỳ của mẹ bầu đã bước sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2. Đây được xem là thời gian thoải mái, nhẹ nhàng nhất cho thai phụ trong thời kỳ mang thai. Ở giai đoạn này, các triệu chứng ốm nghén và khó chịu thời gian đầu mang thai có dấu hiệu giảm nhẹ. Bên cạnh đó, thai nhi cũng phát triển nhanh chóng trong bụng mẹ.
Thai nhi 14 tuần tuổi phát triển như thế nào?
Tuần 14 là giai đoạn bào thai đã được hình thành khá đầy đủ về mặt hình thái cơ thể. Ở tuần thai này, thai nhi tiếp tục hoàn thiện các cấu trúc tế bào và bộ phận còn dang dở như:
1. Khuôn mặt
Đến thai nhi 14 tuần tuổi, các cơ quan của bé đã được hình thành, khuôn mặt của thai nhi trở nên rõ ràng và dễ nhận biết hơn. Mắt và mí mắt được phát triển đầy đủ, tuy nhiên tại thời điểm này, mí mắt của bé vẫn được nhắm lại. Phần trán, cằm và mũi của thai nhi hoàn thiện hơn những tuần trước. (1)
Bên cạnh đó, nhờ các xung động não hoạt động tích cực, cơ mặt của bé đã có thể thể hiện được cảm xúc. Trong thời gian này, thai nhi đã có thể nheo mắt, cau mày, nhăn mặt, cử động đôi môi cũng như thực hiện một số động tác nhỏ và đáng yêu như mút tay, nhai,…
2. Mọc tóc
Trong tuần thai 14, những nang tóc của bé được hình thành sâu bên trong phần da đầu và những sợi tóc lưa thưa bắt đầu mọc. Kể từ tuần 14 trở về những tuần thai sau trong suốt thai kỳ, tóc của bé sẽ mọc dần dần và từ từ dày lên cho đến khi chào đời. (2)
3. Cử động thai
Phản xạ của bào thai cũng bắt đầu hoạt động tại thời điểm này. Khi mẹ bầu có động tác vô tình chạm vào tay hoặc chân của bé, thai nhi có xu hướng cong hoặc khép người lại để né tránh. Móng tay và móng chân của bào thai cũng được hình thành và mọc ra từ những ngón tay, ngón chân của trẻ.
Tại tuần thai này, thai nhi đã có thể hoạt động tay, chân một cách linh hoạt trong bụng mẹ nhưng trong thời gian này, mẹ bầu vẫn chưa cảm nhận được sự chuyển động và cử động của thai nhi. Khi nằm trong bụng mẹ, bé có thể đấm, đá vào thành bụng để thể hiện sự phấn khích, vui mừng hoặc thể hiện sự khó chịu. (3)
4. Chiều dài thai nhi tăng mạnh
Bước vào tam cá nguyệt thứ 2, thai nhi có sự tăng trưởng và phát triển nhanh chóng về chiều dài cơ thể. Theo một số thống kê cho thấy, trong tuần thai thứ 14 này, thai nhi đã tăng khoảng 80mm, tăng hơn gấp đôi chiều dài cơ thể so với thai nhi 13 tuần tuổi.
Bên cạnh đó, do thai nhi ở giai đoạn này thường nằm ở tư thế uốn cong cơ thể nên rất khó trong việc đo chiều dài của bé từ phần đầu đến gót chân. Vì thế, kích thước cơ thể bé sẽ được đo từ đầu đến mông được gọi là chiều dài đầu mông.
Hình dạng và kích thước của thai 14 tuần tuổi
Thai nhi 14 tuần tuổi đã có hình dạng rõ ràng và cụ thể. Phần cổ dài hơn, được định hình một cách rõ rệt và không còn dính liền với phần đầu của bào thai. Cổ ngày càng thẳng, giữ cố định được phần đầu và phần thân của cơ thể thai nhi.
Kích thước thai 14 tuần tuổi có đầu và toàn bộ cơ thể ngày càng được cân đối hơn. Vào thời điểm hiện tại, bào thai có kích thước khoảng 5.79 inch (147.067 mm) và nặng khoảng 3.28 ounce (92.99 gam), tương đương kích thước của một quả đào. Độ dài cơ thể và cân nặng của thai nhi sẽ được thay đổi và tăng nhanh trong những tuần thai tiếp theo. (4)
Mang thai 14 tuần là mấy tháng?
Thai nhi 14 tuần tuổi (tương đương 12 tuần sau quá trình thụ tinh thành công) có nghĩa là mẹ bầu đã bước vào tuần đầu tiên của tam cá nguyệt thứ 2, tức là đã mang thai được 3 tháng 2 tuần.
Trong giai đoạn này, các triệu chứng khi mang thai đã có xu hướng giảm nhẹ, cơ thể thai phụ sẽ thoải mái hơn, vì thế mẹ nên tranh thủ thời gian này để nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe chuẩn bị cho những thay đổi trong những giai đoạn kế tiếp. Bên cạnh đó, đây còn là thời điểm lý tưởng để thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm tầm soát dị tật bẩm sinh cho trẻ mà mẹ bầu nên lưu ý thực hiện.
Xem thêm: Những điều cần biết về thai 15 tuần tuổi
Các triệu chứng khi mang thai tuần 14
Trong giai đoạn thai kỳ, tại mỗi thời điểm nhất định, cơ thể mẹ đều sẽ không ngừng thay đổi để có sự phù hợp và thích nghi tốt với quá trình phát triển của thai nhi. Vì thế, mẹ bầu thường gặp phải một số triệu chứng khi mang thai ở tuần thai thứ 14 như:
- Tình trạng ốm nghén được cải thiện: Sang tam cá nguyệt thứ 2, cơ thể mẹ bầu đã quen dần và thích nghi được với quá trình mang thai đồng thời các loại hormone cũng được cân đối hơn nên tình trạng ốm nghén được giảm giảm đáng kể. Thai phụ nên nghỉ ngơi nhiều hơn, bổ sung đầy đủ lượng nước, chia nhỏ bữa ăn và ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa để dạ dày khỏe hơn, quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi, tình trạng ốm nghén sẽ dần biến mất.
- Vùng kín ẩm ướt: Khi mang thai, bên trong cơ thể nữ giới có nhiều sự thay đổi như sự gia tăng nồng độ hormone, nhất là hormone thai kỳ hCG, Estrogen và Progesterone, tử cung tăng kích thước để tạo điều kiện thuận lợi cho bào thai phát triển. Vì thế, cổ tử cung và âm đạo thường tăng tiết dịch nhầy để điều hòa cơ thể, ổn định các chức năng. Khi dịch nhầy được tăng tiết quá nhiều sẽ làm cho vùng kín luôn trong trạng thái ẩm ướt. Tuy nhiên, nếu không ngứa ngáy, khó chịu, dịch không có màu sắc bất thường cùng mùi hôi tanh thì đây là tình trạng bình thường, có lợi cho sức khỏe thai kỳ, thai phụ không nên lo lắng.
- Vùng ngực thay đổi: Ngực tiếp tục được gia tăng kích thước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tạo lập của các ống dẫn sữa cũng như sự hình thành của các tuyến sữa. Vùng ngực sẽ căng to ra nhưng không nhạy cảm như những tuần thai trước. Vú sẫm màu, nhô ra và có quầng thâm.
- Đau nhói vùng bụng dưới: Tình trạng này thỉnh thoảng sẽ xuất hiện ở mẹ bầu từ tháng thứ 3 trở về những tháng sau. Sự gia tăng kích thước của tử cung sẽ làm cho các dây chằng và các cơ xung quanh vùng bụng, vùng chậu căng cứng ra gây nên tình trạng đau nhói.
- Cân nặng tăng: Cùng với sự phát triển không ngừng nghỉ của thai nhi, cân nặng hàng tháng của mẹ bầu cũng được gia tăng đáng kể. Từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 4 của thai kỳ, thai phụ thường tăng khoảng từ 1.5 đến 2kg mỗi tháng. Sự gia tăng cân nặng một cách nhanh chóng là do thai nhi trong bụng mẹ đang phát triển nhanh, lớn dần làm tử cung tăng kích thước, bụng mẹ to ra cũng như cơ thể mẹ đang tích trữ nhiều chất béo hơn để cung cấp chất dinh dưỡng và chuẩn bị sẵn sàng cho tuyến sữa khi bé chào đời.
- Nghẹt mũi: Vào tuần thai thứ 14 không ít thai phụ gặp phải tình trạng nghẹt mũi, khó chịu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tình trạng này xảy ra là do nồng độ hormone Estrogen được gia tăng nhanh trong thai kỳ làm cho lớp niêm mạc ở mũi sưng lên, tăng tiết dịch nhầy mũi. Bên cạnh đó, tại thời điểm này, lưu lượng máu trong cơ thể thai phụ cũng tăng nhiều khiến các mao mạch máu mũi phình to ra, sưng tấy gây nên tình trạng nghẹt mũi ở thai phụ.
Những việc cần làm khi mang thai ở tuần thứ 14
Thai phụ có thể tham khảo và thực hiện một số phương pháp sau khi ở giai đoạn thai nhi 14 tuần tuổi để mẹ luôn khỏe và thai nhi tiếp tục phát triển ổn định, khỏe mạnh. Bao gồm:
- Chế độ dinh dưỡng: Dinh dưỡng là một trong những yếu tố tiên quyết và quan trọng giúp thai nhi có thể phát triển toàn diện. Mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như sắt, đạm, canxi, kẽm, vitamin, khoáng chất,… để bào thai có thể hoàn thiện các bộ phận và chức năng của cơ thể. Bên cạnh đó, mẹ bầu nên chú trọng sử dụng những thức ăn giàu dinh dưỡng, ăn đa dạng các loại thức ăn, nên chia nhỏ bữa ăn và cân đối lượng tinh bột, chất béo trong từng giai đoạn thai kỳ, tránh dùng các thực phẩm sống, tái gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Vận động hằng ngày: Mẹ bầu nên vận động nhẹ nhàng, đi bộ, tập yoga, tập các bài tập sàn chậu, duy trì quá trình tập luyện thể dục thể thao hằng ngày. Điều này không chỉ giúp các mẹ bầu tăng cường sức đề kháng, tăng sức dẻo dai, nâng cao sức khỏe khi mang thai mà còn giúp cho các cơ xung quanh vùng chậu giãn nở từ từ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh nở diễn ra sau này.
- Thai giáo: Ở thời kỳ này, các giác quan của thai nhi như thính giác đã có thể nghe thấy và cảm nhận được những âm thanh xung quanh. Ba mẹ có thể bắt đầu thai giáo cho thai nhi tại tuần thai này. Phương pháp thai giáo không chỉ kích thích sự vận động của các giác quan, phát triển tiềm năng về trí tuệ và thể chất của bé ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ mà còn tạo điều kiện và môi trường tốt nhất để bé có thể làm quen từ từ để có thể hòa nhập với môi trường xung quanh ngay từ khi chào đời.
- Thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm: Khi thai nhi 14 tuần tuổi, mẹ bầu nên thực hiện một số kiểm tra và xét nghiệm như kiểm tra cân nặng và huyết áp, xét nghiệm lượng đường và protein trong nước tiểu, thực hiện tầm soát lệch bội và xét nghiệm tổng quát (nếu chưa làm trong những tuần thai trước), đo nhịp tim của thai nhi,… để có thể kiểm soát tốt tình trạng thể chất của thai phụ và sự sinh trưởng của thai nhi.
Trung tâm sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn và chất lượng quốc tế; cung cấp đa dạng, đầy đủ các dịch vụ thăm khám và chăm sóc thai kỳ với những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hàng đầu. Khi đến với Tâm Anh, thai phụ sẽ được chăm sóc tận tình, chu đáo, toàn diện từ khi mẹ mang thai đến khi con chào đời.
Nếu có nhu cầu đặt lịch khám và tư vấn tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách xin vui lòng liên hệ đến:
Hy vọng những thông tin về thai nhi 14 tuần tuổi vừa rồi sẽ phần nào giúp ích cho các mẹ bầu trong hành trình mang thai của mình. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay băn khoăn nào cần được tư vấn thêm, chị em có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ giải đáp chi tiết và cụ thể.