Thời trang đường phố không đơn thuần chỉ là phong trào

Thời trang đường phố không đơn thuần chỉ là phong trào

Thời trang đường phố không đơn thuần chỉ là phong trào

thời trang đường phố nam

Thời trang đường phố có mị lực phi thường, và chính tôi đã tận mắt chứng kiến sức ảnh hưởng của phong cách này.

Dưới cái nắng chói chang của mùa hè năm 2009, tôi bước vội vã trên Bowery Street về phía Phố Tàu, vừa đi vừa nghĩ đến chiếc bánh bao thịt heo béo ngậy. Lúc băng qua Germania Bank Building, tôi bắt gặp một khung cảnh khiến tôi phải dừng bước: một đoàn người xếp hàng dài dọc Spring Street và Elizabeth Street để đón chờ bộ sưu tập mới nhất của Supreme.

Lần cuối tôi thấy được một cơn sốt thời trang như vậy là vào một ngày đông lạnh lẽo hồi năm ngoái, tại cửa hiệu cũ của Supreme trên Lafayette Street. Trong cả hai lần, đám đông kiên nhẫn chờ đợi trong sự hứng khởi. Cảnh tượng như vậy cũng thường xuyên xảy ra trước các cửa hàng của các thương hiệu như Kith và Bape.

Những người hâm mộ thời trang đường phố (streetwear) sẵn sàng đối đầu với thời tiết khắc nghiệt để tiếp cận với những sản phẩm mới đầy lôi cuốn của các nhãn hàng. Họ là những người sưu tầm Supreme, những “hiệp sĩ” của Aimé Leon Dore, những tín đồ Stüssy, hoặc cả ba trong số đó. Những vị khách ấy bước ra khỏi cửa hàng với sự hồ hởi lộ rõ trên khuôn mặt, xách trên tay những túi đồ đầy ắp sản phẩm, thể hiện niềm tin và sự ủng hộ của họ dành cho các thương hiệu này.

Thời trang đường phố là gì?

Không đơn thuần là một trào lưu chớp nhoáng, thời trang đường phố (hay còn gọi là streetwear) là một hiện tượng văn hóa. Trong những năm đầu của thập niên 90, những công viên trượt ván (skateboard/skate), sàn hip-hop, và dòng nhạc underground trở nên phổ biến với giới trẻ tại Los Angeles, New York và Tokyo. Những người trẻ trong tiểu văn hóa này sáng tạo ra những phong cách mới mẻ, xoay quanh phom dáng thùng thình và những hình in “siêu ngầu” trên trang phục. Ví dụ những chiếc quần jean baggy, áo hoodie, mũ bucket, và giày thể thao to bản.

Từ đó, các nhãn hàng niche với triết lý thời trang hậu hiện đại được thành lập để đáp ứng thị hiếu nhóm khách hàng này, rồi dần trở thành những nhà tiên phong, thay đổi trào lưu thị trường thời trang. Streetwear đã thay đổi thói quen mua sắm với mô hình ra mắt sản phẩm có hạn, thôi thúc người tiêu dùng nhanh tay “rước” những món đồ với giá gốc, không mặc cả, không chờ đợi giảm giá. Giờ đây, phong cách đường phố đã thay đổi nhiều khái niệm đã in sâu bám rễ trong thời trang cao cấp.

Vì lý do gì mà tiểu văn hóa này đã trở thành xu thế chủ đạo trong thời trang? Streetwear có sức ảnh hưởng như thế nào đến giới thời trang cao cấp? Thật khó để có một câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy những dấu ấn đặc trưng của văn hóa tiêu dùng này qua nhóm người sẵn sàng “cắm trại” suốt cả ngày trời để chờ đợi bộ sưu tập mới nhất của Supreme, những vụ náo loạn tại buổi trình diễn các thiết kế Off-White của Virgil Abloh, hay việc những sản phẩm A Bathing Ape của Nigo “cháy hàng” gần như ngay lập tức.

Mặc dù từng bị coi thường, streetwear ngày nay đã làm chủ được thị trường và cầm cương giới thời trang cao cấp. Nigo thiết kế tại Kenzo. Supreme của James Jebbia đã nhiều lần hợp tác với Burberry và Louis Vuitton, và là nhãn hàng có giá trị bán lại cao nhất trên thị trường. Undercover của Takahashi Jun liên tục “gây sốt” ở Tuần Lễ Thời Trang Paris. Cố nhà thiết kế Virgil Abloh đã đưa thẩm mỹ streetwear của ông đến với Louis Vuitton. Ngay cả Balenciaga cũng đã trở thành một thương hiệu streetwear với những thiết kế liên quan đến văn hóa club mang tính châm biếm. Và hầu như nhà mốt nào cũng từng ra mắt những mẫu giày thể thao to bản.

Nhưng ngay cả trong bối cảnh thị trường như vậy, vẫn có không ít những nhà thiết kế đầy sáng tạo tiếp tục phát triển phong cách với những góc nhìn mới hơn. Các nhãn hàng streetwear từ Tbilisi đến Los Angeles, Kyoto đến Lisbon vẫn liên tục thử nghiệm và bứt phá với ngôn ngữ thời trang này.

Thị trường streetwear có rất nhiều nhãn hàng, nhưng trong đó cũng có những thương hiệu chủ chốt đã dẫn đầu và định nghĩa phong cách streetwear cao cấp. Dưới đây là những nhà mốt có ảnh hưởng lớn nhất đến giới thời trang nói chung.

Những người hâm mộ thời trang đường phố (streetwear) sẵn sàng đối đầu với thời tiết khắc nghiệt để tiếp cận với những sản phẩm mới đầy lôi cuốn của các nhãn hàng.

This post was last modified on Tháng mười hai 7, 2024 4:45 chiều