Chọn kính cho từng khuôn mặt

Chọn kính cho từng khuôn mặt

Chọn kính cho từng khuôn mặt

undercut mặt tròn

Hình ảnh nào loé lên đầu bạn khi nhắc đến mùa Hè? Với tôi đó là… chiếc quần bơi thật sặc sỡ và cặp kính râm, tất nhiên phía xa xa phải là bãi biển xanh ngắt rồi ;). Tôi luôn tâm niệm đàn ông chỉ cần vừa đủ phụ kiện nhưng một khi đã sở hữu một món phụ kiện nào đó thì phải thật chất, nôm na là “xịn” đấy.

Với một người phụ nữ, vài chục chiếc túi hay… mấy trăm đôi giày có lẽ vẫn là chưa đủ, họ có thể đầu tư cho những thứ này mỗi khi có hứng, từ hàng hiệu cho tới hàng chợ, hàng rẻ tiền, miễn đẹp là được. Đàn ông thì phải khác, chỉ cần 1-2 chiếc kính râm thôi là đủ nhưng tôi mong rằng bạn sẽ không ngại ngần nhắm vào các thương hiệu uy tín, có chất lượng cao vì đó là việc bảo vệ đôi mắt của bạn chứ chẳng phải ai khác. Kế đến là phải ngắm nghía xem khuôn mặt mình sẽ hợp với kiểu kính nào thì mới được gọi là đầu tư trọn vẹn, có chiều sâu :D.

Cũng giống như chọn kiểu tóc, chiếc kính ở đây đóng vai trò là công cụ giúp cân bằng, vùi lấp các yếu điểm trên khuôn mặt của bạn, vì thế trước mắt hãy cứ quan niệm rằng cần chọn kiểu dáng kính đi ngược lại với hình dáng khuôn mặt. Cụ thể ra sao thì tôi xin phép được trình bày ngay bây giờ! (Tất nhiên, những gợi ý dưới đây cũng áp dụng cho cả kính cận nữa)

Định hình khuôn mặt

Có rất nhiều bạn comment trong bài chọn kiểu tóc ở trên, hỏi “khuôn mặt của tôi là…dạng gì?”. Trong trường hợp chưa định hình được hình dáng khuôn mặt, bạn vui lòng chụp một bức ảnh chính diện (làm ơn đừng chỉnh ảnh 360 hay bất cứ cái app của khỉ nào khác) và đối chiếu với những đặc điểm dưới đây để xác định hình dáng nhé:

  • Mặt tròn (Round): Khuôn mặt gần như không có đường nét nổi bật, tương đồng về chiều rộng
  • Mặt oval: Khuôn mặt lý tưởng bậc nhất, chiều dài lớn hơn chiều ngang, rất cân đối và không có đường nét góc cạnh nào nổi bật ở vùng xương hàm và đường chân tóc
  • Mặt thuôn (hình chữ nhật – Oblong): Là dạng khuôn mặt oval kéo dài xuống, hơi gầy và có đường nét mềm mại
  • Mặt vuông (Square): Khuôn mặt tương đồng và chiều rộng với những đường nét xương hàm, xương gò má mạnh mẽ, nổi bật
  • Mặt tam giác (Triangle): Xương hàm và cằm rộng trong khi phần trán có chiều hướng thu hẹp lại. Đường viền hàm dưới có thể có dạng góc cạnh hoặc tròn trịa một chút
  • Mặt hình thoi (Diamond): Phần xương gò má rộng và nổi bật trong khi trán và cằm lại có xu hướng hẹp lại
  • Mặt hình trái tim (Heart): Có chiều rộng ở phần thái dương và đường chân tóc đến phần xương gò má và sau đó hẹp dần ở phần cằm

Giờ thì chúng ta sẽ đi chọn kiểu dáng kính cho từng khuôn mặt đã nhắc đến ở trên:

Mặt oval

Xin chúc mừng vì bạn thực sự rất may mắn khi có thể trải nghiệm với hầu hết các loại kính trên thế gian này. Chỉ có một điều cần lưu ý là chiều ngang của kính nên lớn hơn mặt và tránh chọn kính có gọng quá trễ vì dễ làm tăng hiệu ứng chiều dài cho khuôn mặt.

Mặt tròn

Việc chủ yếu cần làm với khuôn mặt tròn là tạo ra càng nhiều điểm nhấn càng tốt. Gọng kính rộng hơn khuôn mặt sẽ giúp tạo hiệu ứng gọn gàng hơn cho phần má. Kính mắt mèo làm tổng thể khuôn mặt gầy hơn và sắc nét hơn. Các loại kính có thiết kế góc cạnh lại giúp khuôn mặt trông có vẻ dài ra. Cần tránh các loại kính gọng tròn vì khi đeo chúng, mặt bạn sẽ chỉ càng tròn và tròn hơn mà thôi.

Mặt thuôn

Không quá kén chọn kính vì mặt thuôn cũng thuộc dạng dễ chiều. Các loại kính có gọng dày dặn, kích thước lớn với đường nét bo tròn sẽ rất hợp với bạn. Kính gọng tròn, gọng vuông, aviators sẽ là những lựa chọn tốt cho bạn.

Mặt vuông

Để chiếc cằm vuông trở nên mềm mại và khuôn mặt có hiệu ứng dài hơn, hãy chọn loại kính có gọng mắt tròn hoặc oval và đường cong nhẹ. Ngoài ra, các loại kính có chi tiết tối giản, nhẹ nhàng sẽ nhấn vào đôi mắt và giúp chiếc mũi dài hơn. Cần tránh tuyệt đối các loại kính gọng vuông hoặc có nhiều nét góc cạnh bởi khuôn mặt của bạn vốn đã có những đặc điểm này, sẽ chẳng hợp lý chút nào khi nhân những yếu tố này lên thêm vài lần.

Mặt tam giác

Chính vì phần cằm rộng nổi bật nên loại kính cho gương mặt này càng phải tạo điểm nhấn cho phần trên trán. Để làm điều này, hãy chọn loại kính có gọng lớn hoặc có các chi tiết bắt mắt ở gọng kính trên. Ngoài ra, chiếc kính kiểu giọt nước cũng giúp cân bằng cho khuôn mặt bạn. Không nên đeo những kiểu kính có phần gọng dưới “nặng” (dày dặn hoặc có chi tiết nhấn nhá) vì chúng chỉ càng làm phần cằm rộng thêm mà thôi.

Mặt hình thoi

Phần cằm nhọn và xương gò má rộng là 2 đặc điểm nổi bật của gương mặt hình thoi. Nhiệm vụ của bạn ở đây là phải kéo hướng nhìn của người đối diện vào đôi mắt, khiến vùng quanh mắt to hơn để khuôn mặt trở nên cân đối hơn. Những cặp kính có chi tiết khác biệt ở phần gọng trên sẽ giúp bạn làm được điều này. Nếu không, bạn có thể chọn kính không viền hoặc có hình oval.

Mặt trái tim

Một dạng gương mặt rất “khó chơi” với kính, nhưng không phải là không có giải pháp. Kính gọng tròn như kiểu aviators hay kính clubmaster sẽ giúp cân bằng vầng trán rộng hoặc các kiểu kính chữ nhật nhỏ, không có viền ở dưới.

Một vài tips nho nhỏ

– Nên chọn màu gọng kính hoà hợp với màu tóc và tông màu da

– Đừng ngại đầu tư vào những thương hiệu lớn, có tên tuổi và uy tín. Bạn sẽ thấy đồng tiền mình bỏ ra là xứng đáng với sức phục vụ bền bỉ của chúng thay vì chỉ vài bữa là hỏng gãy. Xin gợi ý một số thương hiệu yêu thích của tôi: Oliverpeoples, Garrettleight, Cutler and Gross, v.v…

– Việc lựa chọn kính hợp với hình dáng khuôn mặt rất quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Những gì tôi viết ở trên chỉ là những dạng cơ bản, còn thực tế đâu phải ai cũng giống ai? Vì thế, tốt hơn cả khi mua kính là phải được đeo thử, sau đó là tự tin quyết định 😉

This post was last modified on Tháng mười hai 3, 2024 5:26 chiều