Nhóm các bạn trẻ thực hiện dự án về khủng hoảng tâm lý của người trẻ - Ảnh: BTC
1. Một triển lãm hội họa đặc biệt và một minishow vừa diễn ra tại Hà Nội đã được chính một nhóm bạn trẻ là học sinh trung học Hà Nội - nhóm 25 O’Clock - tổ chức.
Triển lãm mang tên Void - Khuyết với 32 bức tranh về chủ đề khủng hoảng tâm lý do chính các bạn trẻ trong nhóm vẽ và nhiều tranh của bạn trẻ trên cả nước gửi về cho ban tổ chức.
Rối bời, Mục nát, Bể thẳm, Vỡ, Nhiễu, Địa ngục sống, Cảm giác khi bị trầm cảm, Đắm chìm trong khủng hoảng, Chiếc lòng giam của sự lạc lối... là những cái tên ám ảnh người xem.
Trâm Anh (trái) thực hiện dự án này với hi vọng giúp đỡ được các bạn trẻ bị khủng hoảng tâm lý như em từng bị - Ảnh: BTC
Xem những câu chuyện kể bằng hội họa trong các tác phẩm ấy lại càng ám ảnh hơn về một thế giới nội tâm dữ dội của những người trẻ hôm nay.
Dường như tuổi trẻ trong xã hội công nghiệp hiện nay đổ vỡ nhiều hơn nhưng cũng mạnh mẽ khát vọng vượt thoát khỏi chấn thương hơn.
Họ không chịu đựng khủng hoảng một mình nữa, họ vẽ nó ra, họ hát lên về những đổ vỡ trong mình với hi vọng chữa lành cho mình và cứu thêm cả những người khác cũng đang vật vã với những tổn thương.
Tác phẩm Đắm chìm trong khủng hoảng của Nguyễn Cao Thanh Hà
Nhiều bức tranh là tác giả vẽ chính tâm hồn đang tổn thương của mình, như Khánh Uyên vẽ bức tranh có tên Nhiễu - khuôn mặt bạn gái âu lo, rối bời.
Một minishow ca nhạc có chủ đề Corners - Những nếp gấp và buổi trò chuyện với chuyên gia tâm lý có chủ đề Vejovis cũng được nhóm 25 O’Clock tổ chức dịp này.
Trong minishow ca nhạc, Khánh Uyên tiếp tục đóng góp nhiều tiết mục, trong đó có bài hát tiếng Anh do em viết cho những tổn thương và nỗ lực một mình bước qua khủng hoảng tâm lý - bài Self (Tự mình).
Tác phẩm Rối loạn đa nhân cách của Lê Quang Anh
2. 25 O’Clock do Nguyễn Thị Trâm Anh (học sinh lớp 12 Trường Việt - Úc Hà Nội) thành lập khoảng nửa năm trước.
Nhóm của Trâm Anh có 5 thành viên gồm: Đinh Hoàng Thùy Dương, Lê Trung Kiên, Nguyễn Lan Hương, Nguyễn Việt Phương, Nguyễn Phương Hà. Ngoài ra còn có hơn 40 cộng tác viên là các học sinh trung học ở Hà Nội, một số ít là sinh viên.
Không phải ngẫu nhiên mà Trâm Anh chọn chủ đề cho dự án đầu tiên của nhóm mình là chuyện khủng hoảng tâm lý ở người trẻ. Trâm Anh từng trải qua những năm học cấp II "cực kỳ kinh khủng".
Em suy sụp vì những vấn đề rất nhỏ và khi rơi vào cơn suy sụp nào đó, em không làm chủ được hành vi của mình. Trâm Anh và mẹ nhận ra mình gặp vấn đề về tâm lý do những chấn thương trong cuộc sống. Em đã phải trị liệu tâm lý trong vài năm.
Tác phẩm ParadoID (Hoang tưởng) của Vũ Vân Hằng
Trâm Anh đã khỏi bệnh và nhận ra sức khỏe tinh thần có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong xã hội nhiều căng thẳng hiện nay. Trâm Anh quyết định thành lập nhóm của mình và dự án đầu tiên, em mong muốn giúp đỡ phần nào cho những người đang gặp phải vấn đề tâm lý như mình từng phải chịu đựng.
Còn Khánh Uyên là học sinh của một trường chuyên ngoại ngữ có tiếng ở Hà Nội. Không ai nghĩ nữ sinh tài năng này lại từng có rất nhiều ngày rời phòng học để ngồi cùng nhân viên y tế dưới phòng tâm lý của trường, cũng từng phải nghỉ học nhiều lần để tự mình đến gặp bác sĩ tâm lý.
Giờ thì Khánh Uyên có hội họa, âm nhạc của chính mình để chữa lành. Và cả những người bạn Uyên, những người trẻ quyết định tự nhóm lại cùng nhau để dùng nghệ thuật chữa lành cho chính mình và cho bạn bè mình.
Khách xem triển lãm - Ảnh: T.Điểu
"Nếu hồi đó ba mẹ ly hôn hay mình không đạt học sinh giỏi như ba mẹ mong muốn thì không biết hiện tại mình có còn sống không nữa".
"Tớ quyết định viết, vì tớ không rõ liệu ngày mai tớ còn đủ mạnh mẽ để tiếp tục sống không"...
Đó là một vài tâm sự trong rất nhiều những tâm sự mà 25 O’Clock nhận được trong khi thực hiện dự án về khủng hoảng tâm lý của người trẻ.
Một số tác phẩm khác của Khuyết:
Tác phẩm Glitch - Nhiễu của Khánh Uyên
Tác phẩm Bể thẳm của Nguyễn Minh Ngọc
Tác phẩm Toska của Nguyễn Thư