K8 - K10 – Kỳ tích lịch sử thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Admin
Từ giữa năm 1966 trở đi, mật độ bom đạn quân Mỹ rải xuống Vĩnh Linh dày đặc, địa bàn khu vực lại quá hẹp, kế hoạch “3 tuyến sơ tán” để đảm bảo “3 bám” không phù hợp nữa, vì không thể giúp tránh khỏi thương vong. Đứng trước sự ác liệt của cuộc chiến tranh như vậy, Trung ương Đảng đã nghĩ đến việc giảm mật độ dân cư trong khu vực chiến sự. Lực lượng ở lại bám trụ sản xuất và chiến đấu là người lớn, người khỏe, còn trẻ nhỏ, người già yếu, mất sức phải có kế hoạch di chuyển ra các tỉnh phía Bắc, ở những nơi an toàn đề phòng cuộc chiến tranh kéo dài.

Vượt qua được chặng đường ác liệt đến nơi an toàn là một thắng lợi lớn, nhưng điều quan trọng là phải ổn định đời sống, tổ chức việc học hành cho các cháu như thế nào để đảm bảo nguồn lực cho tương lai. Vì vậy, về mặt tổ chức quản lý, Ty Giáo dục Vĩnh Linh được Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ trực tiếp chỉ đạo xây dựng hệ thống quản lý thống nhất từ trung ương đến các tỉnh, các huyện, các xã có học sinh K8. Hệ thống quản lý K8 thống nhất từ cơ sở đến Ban K8 ở Bộ hoạt động khá chặt chẽ nên việc đón tiếp, tổ chức nuôi dạy đạt yêu cầu, hơn cả sự mong đợi của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân Vĩnh Linh cũng như nhân dân các tỉnh bạn.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các tỉnh bạn xem việc nuôi dạy con em Vĩnh Linh - K8 là trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đối với những em nhỏ sức khỏe yếu được các y, bác sĩ địa phương khám và chữa bệnh, có chế độ bồi dưỡng riêng. Đối với giáo viên Vĩnh Linh đi cùng học sinh K8 được Phòng Giáo dục phân vào các trường có học sinh K8, đồng thời được tạo mọi điều kiện ăn, ở, công tác.

Nhờ sự giúp đỡ tận tình như vậy, học sinh Vĩnh Linh nhanh chóng hòa nhập với bạn bè mới, thân thiện, quý trọng đối với các bậc phụ huynh, việc học cũng đi vào ổn định và tiến bộ nhanh chóng. Học sinh K8 ở Nam Hà, Thái Bình, Ninh Bình có khá đông các em học sinh giỏi tham gia thi tỉnh, thi miền Bắc đạt giải cao. Hơn 400 giáo viên cấp I, cấp II cũng đã phát huy được truyền thống quê hương Vĩnh Linh nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, học tập những kinh nghiệm quý đã được tổng kết về phong trào thi đua hai tốt” của các tỉnh bạn, nâng cao trình độ và nghiệp vụ, vươn lên trong các hoạt động sư phạm.

Giáo viên K8 không chỉ là người thầy tận tụy mà còn là người cha, người mẹ của các em khi xa nhà. Các thầy, cô đã chăm sóc, bảo ban các em thường xuyên đến các gia đình có học sinh K8 để thăm hỏi, động viên các em, cùng bà con dìu dắt các em. Đặc biệt là đối với những em nhỏ khi ốm đau, khi Tết đến xuân về, các em cần sự quan tâm đặc biệt. Nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ quê hương... của các em chỉ còn biết dựa vào thầy, cô để được an ủi. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng luôn đề cao tinh thần trách nhiệm vươn lên trong giảng dạy và công tác, tạo mối liên hệ chặt chẽ với địa phương nên sau 6 năm sống ở các tỉnh miền Bắc đã có 43 thầy cô giáo được kết nạp vào Đảng, hàng trăm thầy cô giáo được các Ty Giáo dục công nhận là giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua, được học sinh và nhân dân tin yêu, quý trọng.

Suốt 2 năm thực hiện Kế hoạch K8, ngày đi bộ, đêm đi xe, len lỏi trong bom đạn, đến ngày 10/10/1967 đã đưa 3 vạn cháu con em của Vĩnh Linh và 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ (sơ tán ra Vĩnh Linh trong trận càn của Mỹ tháng 5/1967) ra khỏi vùng ác liệt đến sinh sống, học tập ở các tỉnh phía Bắc trong sự cưu mang, đùm bọc, nuôi dạy của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong 2 năm ấy, có 70 người con thân yêu của Vĩnh Linh đã vĩnh viễn nằm lại dưới làn bom đạn ác liệt của giặc Mỹ trong suốt chặng đường trên dưới 600km từ tuyến lửa Vĩnh Linh ra các tỉnh bạn (gồm 59 học sinh, 6 giáo viên, 2 cán bộ khu vực, 3 người hướng dẫn). Đặc biệt, trong khi phục vụ chiến dịch K8, ở Quảng Bình có 3 đồng chí hy sinh; Hà Tĩnh có 2 đồng chí bị thương nặng, trong đó có đồng chí Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh. Những nỗi đau của sự hy sinh mất mát ấy đã trở thành nỗi căm hờn, tạo nên sức mạnh vô song để Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước trút lửa lên đầu quân xâm lược đập tan cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30/4/1975, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên “độc lập, tự do, đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Kế hoạch K8 là một cuộc “thiên di” có một không hai trong lịch sử quê hương, đất nước, một chủ trương mang tính chiến lược của Đảng ta, có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây cũng như nhiệm vụ xây dựng đất nước ngày nay.

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)