Ngày 1-8-1930: Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng

Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, 1-8-1930

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 1-8-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 1-8

Sự kiện trong nước

- Cách đây 92 năm, ngày 1-8-1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 1-8”. Ngay sau khi phát hành, tài liệu đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. 

Đánh giá cao sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

92 năm qua, ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo trở thành bộ phận không thể tách rời, luôn gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những thắng lợi vĩ đại mà Đảng và Nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc đều có sự đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo của Đảng.

Đặc biệt là từ năm 1986, Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, với chức năng là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, tham mưu giúp các cấp ủy đảng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, lý luận chính trị, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại, khoa giáo, công tác tuyên giáo đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện sự nghiệp đổi mới và đã đạt được những thắng lợi bước đầu. Sự đóng góp của công tác tuyên giáo được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực nổi bật, đó là tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam; nâng cao uy tín và vị thế của đất nước; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Ngày 1-8-1955, đường liên vận quốc tế Hà Nội - Bắc Kinh - Moscow - Berlin chính thức khai thông, trung tuần tháng 8-1955 chuyến tàu liên vận quốc tế Bắc Kinh - Hà Nội đưa những hành khách đầu tiên về đến ga Hà Nội. Trước đó, ngày 19-7-1955, Hội nghị liên vận 10 nước xã hội chủ nghĩa (OSZD) họp ở Berlin (Đức) thống nhất kết nạp Đường sắt Việt Nam là thành viên.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 1-8-1774, nhà khoa học Anh Joseph Priestley khám phá khí oxy, chứng thực nguyên tố do nhà hóa học Đức–Thụy Điển Carl Wilhelm Scheele phát hiện từ trước đó.

- Ngày 1-8-1885, ngày sinh nhà hóa học Hevesy. Ông sinh ra tại Budapest (Hungari) và qua đời ngày 5-7-1966, là người phát minh ra nguyên tố 72, là phốt pho 32. Ông được giải Nobel hóa học năm 1943.

- Ngày 1-8-1894: Chiến tranh Thanh-Nhật chính thức bùng nổ giữa nhà Thanh và Nhật Bản vì những mâu thuẫn tại Triều Tiên.

Theo dấu chân Người

Ngày 1-8-1922, Báo “Le Paria” (Người Cùng Khổ) đăng ba bài báo của Nguyễn Ái Quốc tố cáo cuộc sống xa hoa và tính cách khác thường của Vua Khải Định (bài “Sở thích đặc biệt”); thông qua cái chết của một nhân viên Sở Hỏa xa Nam Kỳ để lên án “Trong lúc ở Mácxây, người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương thì ở An Nam đang có những người bị chết đói. Ở bên này, người ta ca tụng lòng trung thành, còn ở bên kia, người ta đang giết người!” (bài “Khai hóa giết người”); thuật lại vụ án binh lính Pháp hãm hiếp một bé gái và hai phụ nữ Việt Nam rồi giết hại, bài báo kết luận: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa...” (bài “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp”).

- Ngày 1-8-1941, Nguyễn Ái Quốc ra số báo “Việt Nam Độc Lập” đầu tiên nhằm tuyên truyền đường lối của Mặt trận Việt Minh đăng lời kêu gọi “Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam Độc Lập” bằng bài văn vần:

…Báo “Độc lập” hợp thời đệ nhất,

Làm cho ta mở mắt mở tai.

Cho ta biết đó biết đây,

Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian:

Cho ta biết kết đoàn tổ chức.

Cho ta hay sức lực của ta

Cho ta biết chuyện gần xa.

Cho ta biết nước non ta là gì...”.

- Ngày 1-8-1942, cũng trên báo này, đăng bài thơ “Nhóm Lửa” của Nguyễn Ái Quốc ví sự nghiệp cách mạng như việc nhóm lửa để có ngày:

Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi,

Chiếu lá cờ độc lập, tự do!”.

- Ngày 1-8-1945, tại chiến khu Tân Trào, Đại đội Việt - Mỹ, đơn vị vũ trang hỗn hợp giữa 200 chiến sĩ Việt Minh và đơn vị “Con Nai” của tổ chức OSS được thành lập bước vào đợt huấn luyện sử dụng các loại vũ khí mới, để tổ chức chống phát xít Nhật.

- Ngày 1-8-1949, Bác ra “Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công” khẳng định: “Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính. Khẩu hiệu Thi đua ái quốc, hiện nay là: Tất cả để chiến thắng. Chiến thắng giặc thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta...”.

- Ngày 1-8-1951, Bác viết lời điếu đồng chí Hồ Tùng Mậu với tình cảm “thân thiết hơn anh em ruột”: “Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, Đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc, cộng vào trong một lòng tôi!... Tôi lại hứa với chú: Toàn thể đồng sự và đồng chí sẽ cố gắng noi gương đạo đức cách mạng của chú, noi gương chú đó tận trung với nước, tận hiếu với dân”.

- Ngày 1-8-1959, kết thúc chuyến thăm Liên Xô, khi máy bay bay ngang ngọn Thiên Sơn (Trung Quốc), Bác cảm tác một bài thơ chữ Hán và tự dịch:

Xa trông cảnh đẹp núi Thiên San

Ráng đỏ vây quanh, tuyết trắng ngàn

Sáng dậy mặt trời như lửa tía

Muôn hào quang đỏ chiếu nhân gian”.

- Ngày 1-8-1969, tiếp Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp bàn về việc xuất bản sách “Người tốt việc tốt”, Bác căn dặn: “Đào tạo con người là vấn đề chiến lược, phong trào “Người tốt việc tốt” chính là một biện pháp quan trọng của chiến lược đào tạo con người đó”.

 (Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa”.

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người phát biểu tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, ngày 1-8-1960, Báo Nhân Dân đăng trên số 2327, ngày 2 tháng 8 năm 1960.

Đây là giai đoạn miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đuổi đế quốc Mỹ và tay sai, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội càng được chú trọng, số lượng phụ nữ công tác trong các cơ quan chính quyền từ trung ương đến cơ sở tăng cao; đặc biệt, trong Quốc hội khóa II có tới 53 đại biểu Quốc hội là nữ. Khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ và đó cũng là một thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy: “Phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa”, kế thừa và phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã tích cực học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; từ các phong trào thi đua rộng lớn của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, tiêu biểu với các phong trào thi đua “Ba đảm đang”, phong trào “Đồng Khởi”… đã xuất hiện nhiều nữ anh hùng dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được lịch sử vinh danh, trở thành niềm tự hào của cả dân tộc, xứng đáng với 8 chữ Vàng Bác Hồ trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, phát triển hiện nay, lời Bác Hồ dạy năm xưa vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn để các thế hệ phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, ra sức học tập, rèn luyện theo 4 phẩm chất: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, ngày càng có nhiều phụ nữ phấn đấu trở thành chính trị gia, nhà khoa học giỏi, nhà quản lý năng động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phương hướng xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, phụ nữ Quân đội tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, học tập, lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để cùng với phụ nữ cả nước thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ dạy năm xưa.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1895 ra ngày 1-8-1966 biểu thị sự hưởng ứng lời Hồ Chủ tịch kêu gọi quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

ĐOÀN TRUNG (tổng hợp)

Trần Thu Uyên

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0566.228.797)