Dân số Việt Nam có những biến đổi nhân khẩu học mạnh mẽ với một số đặc trưng nổi bật: Dân số đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, xu hướng già hóa dân số vẫn đang diễn ra nhanh chóng; tốc độ đô thị hóa cao; mức sinh giảm xuống thấp nhất trong giai đoạn 2018-2023; các chương trình chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em nói riêng và công tác bảo vệ sức khoẻ, nâng cao mức sống cho nhân dân nói chung đạt được những thành công nhất định, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình cao trong nhiều năm trở lại đây.
Theo Liên hợp quốc (UNDESA)[1] thị trường lao động ở các nền kinh tế phát triển có dấu hiệu ổn định. Trong ba quý đầu năm 2023, thị trường lao động ở các nền kinh tế phát triển tiếp tục quay trở lại tình trạng trước đại dịch. Phục hồi việc làm sau đại dịch ở các nền kinh tế này diễn ra nhanh hơn nhiều so với phục hồi kéo dài của thị trường lao động sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Kể từ đầu năm 2021, nhiều nền kinh tế phát triển, trừ Vương quốc Anh, đã chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm trong khi tỷ lệ có việc làm đạt mức cao. Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế phát triển tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động ở một số ngành nghề nhất định và tỷ lệ có việc làm cũng như thất nghiệp có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia.
Bạn đang xem: Thông cáo báo chí về tình hình dân số, lao động việc làm Quý IV và năm 2023
Trong nước, lực lượng lao động, số người có việc làm quý IV năm 2023 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn ba phần năm tổng số lao động có việc làm của cả nước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
I. TÌNH HÌNH DÂN SỐ
1. Quy mô và cơ cấu dân số
Dân số trung bình của Việt Nam năm 2023 đạt 100,3 triệu người, trong đó tỷ lệ dân số nam và nữ khá cân bằng (nam giới chiếm 49,9%, nữ giới 50,1%). Dân số trung bình khu vực thành thị là 38,2 triệu người, chiếm 38,1%; khu vực nông thôn là 62,1 triệu người, chiếm 61,9%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-lip-pin) và đứng thứ 15 trên thế giới[2]. Do mức sinh có xu hướng giảm nhẹ nên tốc độ tăng dân số giảm dần trong những năm gần đây và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo (tốc độ tăng dân số trung bình năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%).
Cơ cấu dân số của Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi và giảm tỷ lệ dân số trẻ. Việt Nam hiện đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng và cũng đồng thời trong quá trình già hóa dân số. Tỷ trọng nhóm dân số trẻ từ 0-14 tuổi giảm từ 24,3% năm 2019 xuống khoảng 23,9% năm 2023; trong khi nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh, từ 11,9% năm 2019 lên 13,9% vào năm 2023. Nhóm dân số trong độ tuổi từ 15- 59 tuổi chiếm 63,8% năm 2019 giảm xuống còn 62,2% năm 2023[3].
Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam tiếp tục diễn ra mạnh mẽ do việc di cư dân số từ khu vực nông thôn đến thành thị và việc mở rộng địa giới hành chính các khu vực thành thị, tỷ lệ dân số thành thị năm 2023 của Việt Nam khoảng 38,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm, so với năm 2022, và tăng 1 điểm phần trăm so với năm 2021.
2. Mức sinh
Tổng tỷ suất sinh (TFR)[4] năm 2023 của Việt Nam ước tính là 1,96 con/phụ nữ. Mức sinh có xu hướng giảm nhẹ trong những năm gần đây và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. TFR của Việt Nam thấp hơn TFR trung bình của các nước Đông Nam Á (2,0 con/phụ nữ), cao hơn bốn quốc gia trong khu vực: Bru-nây (1,9 con/phụ nữ), Phi-li-pin (1,9 con/phụ nữ), Thái Lan (1,1 con/phụ nữ) và Xin-ga-po (1,0 con/phụ nữ); trong khi TFR của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia còn lại trong khu vực[5].
Tỷ số giới tính khi sinh (SRB)[6] của dân số Việt Nam năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái, phản ánh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta vẫn ở mức cao. SRB của Việt Nam có dấu hiệu tăng chậm lại trong những năm gần đây và dự báo sẽ giảm trong những năm tiếp theo. Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp tốt hơn để đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra trong Chiến lược Dân số Việt Nam “Đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”[7].
3. Mức chết
Tỷ lệ tử vong ở Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức thấp, thể hiện những thành công của chương trình chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em nói riêng và công tác bảo vệ sức khoẻ, nâng cao mức sống cho nhân dân nói chung trong những năm qua của Đảng và Nhà nước.
Tỷ suất chết thô (CDR)[8] của Việt Nam năm 2023 ước tính là 5,5 người chết/1000 dân. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, CDR của Việt Nam ở mức trung bình. CDR của Việt Nam chỉ cao hơn Bru-nây, thấp hơn các quốc gia còn lại trong khu vực, trong đó, CDR cao nhất trong số các quốc gia trong khu vực là Thái lan và Ma-lai-xi-a (9 người chết/1000 dân) và thấp nhất là của Bru-nây (4 người chết/1000 dân)[9].
Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR)[10] là chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng và hiệu quả của hệ thống chăm sóc sức khoẻ thai sản cho bà mẹ và trẻ em nói riêng, cũng như điều kiện phát triển toàn diện kinh tế – xã hội nói chung. Năm 2023, IMR của Việt Nam ước tính là 12 trẻ em dưới 1 tuổi tử vong trên 1000 trẻ sinh sống. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi của Việt Nam thấp hơn của thế giới và của Châu Á[11].
Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR)[12] cũng có xu hướng giảm nhẹ trong những năm vừa qua. U5MR của Việt Nam năm 2023 ước tính là 18,2 (trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống), giảm nhẹ so với năm 2022 (18,9 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống).
Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt Nam năm 2023 là 73,7 tuổi; trong đó, tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,1 tuổi, của nữ giới là 76,5 tuổi. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của Việt Nam hiện nay thấp hơn 03 quốc gia là: Xin-ga-po (83 tuổi), Bru-nây (78 tuổi), Thái Lan (76 tuổi).
II. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM
1. Lực lượng lao động
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2023 là 52,5 triệu người, tăng hơn 113,5 nghìn người so với quý trước và 401,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, con số này ở khu vực thành thị, khu vực nông thôn, nam và nữ đều tăng (tăng tương ứng là 46,4 nghìn người; 67,2 nghìn người; 77,5 nghìn người và 36,0 nghìn người).
Hình 1: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên theo quý, giai đoạn 2020 – 2023
Triệu người
Tính chung năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,5 triệu người, chiếm 37,3%; lực lượng lao động nữ đạt 24,5 triệu người, chiếm 46,7% lực lượng lao động của cả nước.
Hình 2: Lực lượng lao động, giai đoạn 2019 – 2023
Triệu người
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2023 là 68,9%, giữ mức ổn định không thay đổi từ quý IV năm 2022. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,7% và của nam giới là 75,3%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,2%, thấp hơn ở khu vực nông thôn là 6,1 điểm phần trăm. Quan sát theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 30,3%; nông thôn: 45,7%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 39,9%; nông thôn: 49,6%).
Hình 3: Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động theo quý, giai đoạn 2021 – 2023 (%)
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2023 là 68,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm 2022. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam giới là 75,2%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó con số này của nữ giới là 62,9%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với năm trước.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV năm 2023 là 27,6%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn 38,0 triệu lao động chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Do đó, việc xây dựng các chính sách và chương trình đào tạo cụ thể là yêu cầu rất cấp thiết trong thời gian tới.
Tính chung năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính là 14,1 triệu người, chiếm 27,0%, tăng 0,5 triệu người so với năm 2022.
2. Lao động có việc làm
So với quý trước, số lao động có việc làm trong quý IV năm 2023 tiếp tục tăng, tuy nhiên số việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định tăng mạnh ở khu vực nông thôn làm tỷ lệ lao động phi chính thức chung của quý này tăng.
Lao động có việc làm quý IV năm 2023 đạt gần 51,5 triệu người, tăng 130,4 nghìn người, tương ứng tăng 0,25% so với quý trước và tăng 414,6 nghìn người, tương ứng tăng 0,81% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,2 triệu người (chiếm 37,2%), tăng 59,5 nghìn người so với quý trước và tăng 322,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 32,3 triệu người, tăng 70,9 nghìn người và tăng 92,0 nghìn người.
Tính chung năm 2023, lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 683,0 nghìn người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm 2022. Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn cũng như ở nam giới và nữ giới, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 19,0 triệu người, tăng 1,8% (tương ứng tăng 331,8 nghìn người), lao động ở khu vực nông thôn là 32,3 triệu người, tăng 1,1% (tương ứng tăng 351,1 nghìn người); số lao động có việc làm ở nam giới đạt 27,3 triệu người, tăng 1,4% (tương ứng tăng 386,6 nghìn người), cao hơn mức tăng ở nữ 0,1 điểm phần trăm (1,4 điểm phần trăm so với 1,3 điểm phần trăm).
Lao động có việc làm theo khu vực kinh tế
Quý IV năm 2023, số lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 17,2 triệu người, tăng 92,0 nghìn người so với quý trước, lao động trong khu vực này tiếp tục tăng với tốc độ tăng cao hơn so với quý trước (0,5% so với 0,1%); lao động trong khu vực dịch vụ đạt 20,5 triệu người, tăng 58,6 nghìn người (tăng 0,3%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với số lao động là 13,8 triệu người, giảm 20,1 nghìn người (giảm 0,1%).
Hình 4: Số người có việc làm phân theo khu vực kinh tế theo quý, các năm 2022-2023
Triệu người
Số lao động ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói chung đã tiếp tục phục hồi mạnh trong quý IV do tăng sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán. So với quý trước, số lao động của ngành này tăng 1,3% (tương ứng tăng 207,7 nghìn người) và đóng góp phần lớn vào mức tăng chung của tổng số lao động có việc làm. Một số ngành khác cũng ghi nhận số lao động tăng lên đáng kể như: Ngành vận tải kho bãi tăng 1,32%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng 10,6%; ngành kinh doanh bất động sản tăng 0,7%. Ở chiều ngược lại, một số ngành có sự sụt giảm khá lớn làm giảm đà tăng chung của lao động có việc làm như: Ngành xây dựng giảm 2,76%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 5,1%, ngành khai khoáng giảm 8,9%.
Xem thêm : Cách tải ảnh TikTok không dính logo cho Android, iPhone
Tính chung năm 2023, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,8 triệu người, giảm 118,9 nghìn người, tương ứng giảm 0,9% so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,2 triệu người, tăng 248,2 nghìn người, tương ứng tăng 1,5%; khu vực dịch vụ với 20,3 triệu người, tăng 553,6 nghìn người, tương ứng tăng 2,8% và duy trì mức tăng cao nhất so với hai khu vực còn lại.
Hình 5: Tăng/giảm tỷ trọng lao động làm việc trong các khu vực kinh tế, giai đoạn 2020-2023
Điểm phần trăm
So sánh các năm từ 2020 đến nay (trừ năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19), sự chuyển dịch cơ cấu ngành giữa khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và hai khu vực còn lại dường như chậm lại. Nếu các năm 2020 và 2022, tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp giảm lần lượt là 1,0 điểm phần trăm và 1,6 điểm phần trăm và tăng lên tương ứng ở hai khu vực còn lại thì đến năm 2023 thì tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm chậm hơn, chỉ giảm 0,6 điểm phần trăm. Điều này một phần do những khó khăn của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong năm qua đã không tạo được động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ngành.
Lao động có việc làm phi chính thức
Số người lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng lao động khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn có xu hướng tăng lên. Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản)[13] trong quý IV năm 2023 là 33,5 triệu người, tăng 90,1 nghìn người (tăng 0,3%) so với quý trước. Tốc độ tăng lao động phi chính thức tăng cao hơn tốc độ tăng của lao động chính thức, điều này làm tăng tỷ lệ lao động phi chính thức trong quý này, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý trước (65,1% so với 65,0%). Đặc biệt tỷ lệ này tăng ở khu vực nông thôn (tăng 0,1 điểm phần trăm), trái ngược với xu hướng giảm ở khu vực thành thị (giảm 0,3 điểm phần trăm).
Tính chung năm 2023, số lao động phi chính thức là 33,3 triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,9%, giảm 0,9 điểm phần trăm, giảm thấp hơn 1,8 điểm phần trăm so với năm 2022 (0,9 so với 2,7 điểm phần trăm). Sự sụt giảm đơn hàng diễn ra từ những quý cuối năm 2022 đến hết năm 2023 làm ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã làm giảm hiệu quả của các chính sách thúc đẩy chính thức hóa lao động phi chính thức.
3. Thiếu việc làm trong độ tuổi lao động[14]
Tỷ lệ thiếu việc làm quý IV năm 2023 giảm so với quý trước và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động[15]; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt các phiên giao dịch việc làm chuyên đề theo từng loại lao động, cụm doanh nghiệp để nhanh chóng kết nối việc làm cho người lao động. Các địa phương cũng đã đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội[16]. Do đó, nhìn chung tình hình thiếu việc làm quý này được cải thiện hơn so với quý trước. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động[17] quý IV năm 2023 khoảng 906,6 nghìn người, giảm 34,3 nghìn người so với quý trước và tăng 8,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý này là 1,98%, giảm 0,08 điểm phần trăm so với quý trước và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị quý IV/2023 là 1,61% thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,20%).
Hình 6: Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo quý giai đoạn 2020-2023
Tính chung năm 2023, số người thiếu việc làm trong độ tuổi là 918,5 nghìn người, giảm 79,8 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2023 là 2,01%, giảm 0,20 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,61% và 2,26%). Như vậy, riêng năm 2021 đại dịch Covid-19 đã gây nhiều xáo trộn cho thị trường lao động khu vực thành thị khiến tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn nông thôn[18]. Tuy nhiên, năm 2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục ghi nhận những điểm sáng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; do đó thị trường lao động đã trở lại xu hướng được quan sát thường thấy như trước và xu hướng này tiếp tục diễn ra trong năm 2023 làm cho tình hình thiếu việc làm của người lao động tiếp tục được cải thiện.
Hình 7: Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động, giai đoạn 2019-2023
Trong tổng số 906,6 nghìn người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở quý IV năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có tỷ trọng thiếu việc làm cao nhất với 43,6% (tương đương với 394,9 nghìn người thiếu việc làm); tiếp theo là khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 29,7% (tương đương 269,6 nghìn người); khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp nhất với 26,7% (tương đương 242,1 nghìn người). So với cùng kỳ năm trước, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực dịch vụ có số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm (giảm tương ứng là 23,7 và 30,1 nghìn người), trong khi đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng (tăng 62,2 nghìn người). Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất về tình trạng thiếu việc làm.
4. Thu nhập bình quân của lao động
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý IV năm 2023 là 7,3 triệu đồng, tăng 180 nghìn đồng so với quý III/2023 và tăng 444 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,35 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,3 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng). Thu nhập bình quân tháng của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,9 triệu đồng so với 6,3 triệu đồng).
So với quý III năm 2023, đời sống của người lao động quý IV năm nay được cải thiện hơn. Thông thường, những tháng cuối năm nhiều doanh nghiệp gia tăng sản xuất kinh doanh, tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động thường cao hơn so với quý trước, đời sống của người lao động sẽ cải thiện hơn. So với quý trước, tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của người lao động quý IV năm nay cao hơn gần hai lần so với tốc độ tăng của quý IV/2022 (tốc độ tăng của quý IV/2023 là 2,5% so với tốc độ tăng của quý IV/2022 là 1,4%).
Hình 8: Thu nhập và Tốc độ tăng/giảm bình quân tháng của lao động quý IV so với quý trước, giai đoạn 2019-2023
Tính chung năm 2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 8,1 triệu đồng, cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (6,0 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,4 lần khu vực nông thôn (8,7 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng).
Thu nhập bình quân của người lao động theo vùng kinh tế – xã hội
So với quý trước và cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động quý IV/2023 tăng lên ở tất cả các vùng kinh tế – xã hội của cả nước; trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có tốc độ tăng cao nhất. Thu nhập bình quân tháng của lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng quý IV/2023 là 8,7 triệu đồng, tăng 3,5% (tương ứng tăng 297 nghìn đồng) so với quý trước và tăng 8,2% (tương ứng 656 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, thu nhập của người lao động tại một số tỉnh trong vùng này ghi nhận tốc độ tăng cao như: thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc tại tỉnh Thái Bình là 7,6 triệu đồng, tăng 11,9% (tương ứng tăng 806 nghìn đồng); tại Hà Nam là 7,4 triệu đồng, tăng 10,7% (tương ứng tăng 709 nghìn đồng); tại Nam Định là 7,3 triệu đồng, tăng 10,4% (tương ứng tăng 686 nghìn đồng); tại Hải Phòng là 8,8 triệu đồng, tăng 7,4% (tương ứng tăng 610 nghìn đồng).
Quý IV/2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ là 9,0 triệu đồng, tăng 2,3% (tương ứng tăng 202 nghìn đồng) so với quý trước và tăng 3,6% (tương ứng tăng 312 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, so với cùng kỳ năm trước, Đông Nam Bộ là vùng ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của lao động thấp nhất trong các vùng của cả nước; trong đó, một số tỉnh, thành phố lớn, có nhiều khu công nghiệp ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng khá thấp như: thu nhập bình quân của lao động tại Đồng Nai là 8,9 triệu đồng, tăng 1,6% (tương ứng tăng 138 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm trước; tại Thành phố Hồ Chí Minh là 9,4 triệu đồng, tăng 1,9% (tương ứng tăng 175 nghìn đồng). Bên cạnh đó, một số tỉnh khác trong vùng ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá trong quý IV năm nay như: tại Bà Rịa Vũng Tàu là 8,7 triệu đồng, tăng 12,8%, tương ứng tăng 982 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2022; tại Bình Dương là 9,5 triệu đồng, tăng 6,4%, tương ứng tăng 567 nghìn đồng.
Hình 9: Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo vùng kinh tế – xã hội, quý IV, giai đoạn 2021-2023
Triệu đồng
Thu nhập bình quân của người lao động theo khu vực kinh tế
So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý IV/2023 tại ba khu vực kinh tế đều tăng; trong đó, khu vực dịch vụ ghi nhận tốc độ tăng cao nhất. Thu nhập bình quân tháng của lao động tại khu vực dịch vụ trong quý IV năm nay là 8,7 triệu đồng, tăng 7,3%, tương ứng tăng 589 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước; tại khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản là 4,2 triệu đồng, tăng 5,3%, tăng tương ứng là 212 nghìn đồng; tại khu vực công nghiệp và xây dựng là 8,1 triệu đồng, tăng 4,5%, tương ứng tăng 350 nghìn đồng.
Hình 10: Tốc độ tăng/giảm thu nhập bình quân tháng của người lao động theo khu vực kinh tế, quý IV so với cùng kỳ năm trước, giai đoạn 2020-2023 (%)
Thu nhập bình quân của người lao động theo ngành kinh tế
Quý IV/2023, thu nhập bình quân tháng của lao động tăng lên ở hầu hết các ngành kinh tế so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với cùng kỳ năm trước: thu nhập bình quân tháng của lao động làm trong ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 11,1 triệu đồng, tăng 11,5%, tương ứng tăng 1,2 triệu đồng; ngành khai khoáng là 10,7 triệu đồng, tăng 11,1%, tương ứng tăng 1,1 triệu đồng; ngành vận tải kho bãi là 10,1 triệu đồng, tăng 7,9%, tương ứng tăng 735 nghìn đồng; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống là 7,2 triệu đồng, tăng 7,5%, tương ứng tăng 499 nghìn đồng; ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe gắn máy là 8,5 triệu đồng, tăng 7,2%, tương ứng tăng 572 nghìn đồng.
Tính chung năm 2023, lao động làm việc trong một số ngành kinh tế ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong ngành khai khoáng là 10,3 triệu đồng, tăng 11,2%, tương ứng tăng khoảng 1 triệu đồng so với năm trước; ngành dịch vụ lưu trú ăn uống là 6,8 triệu đồng, tăng 8,6%, tương ứng tăng 540 nghìn đồng; ngành vận tải kho bãi là 9,8 triệu đồng, tăng 8,3%, tương ứng tăng 749 nghìn đồng; ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là 8,3 triệu đồng, tăng 7,8%, tương ứng tăng 598 nghìn đồng; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,1 triệu đồng, tăng 6,6%, tương ứng tăng 255 nghìn đồng.
Năm 2023, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 8,0 triệu đồng, tăng 5,8% tương ứng tăng khoảng 433 nghìn đồng so với năm trước. Lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân của lao động nữ là 1,14 lần (8,4 triệu đồng so với 7,4 triệu đồng). Lao động làm việc trong khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân là 8,9 triệu đồng, cao hơn 1,24 lần mức thu nhập bình quân của lao động ở khu vực nông thôn (7,2 triệu đồng).
5. Lao động thất nghiệp[19]
So với quý trước và cùng kỳ năm trước, tình hình thất nghiệp quý IV có cải thiện.
Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vừa để hoàn thành chỉ tiêu năm, vừa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì thế, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp những tháng cuối năm tăng, là cơ hội để thị trường có thêm những việc làm mới, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp của người lao động[20]. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2023 khoảng 1,06 triệu người, giảm 16,0 nghìn người so với quý trước và giảm 18,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2023 là 2,26%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3% (quý I năm 2023 là 2,66%, quý II năm 2023 là 2,75%, quý III năm 2023 là 2,78% và quý IV năm 2023 là 2,72%).
Hình 11: Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý giai đoạn 2020-2023
Tính chung năm 2023, cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 14,6 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2023 là 2,28%, giảm 0,06 điểm phần trăm so với năm trước. Như vậy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp bao gồm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 đã góp phần cải thiện tình hình thất nghiệp của người lao động.
Hình 12: Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giai đoạn 2019-2023
Trong quý IV năm 2023, nhờ nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động vùng Đông Nam Bộ không còn là vùng dẫn đầu về tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ thất nghiệp quý này của vùng là 2,67%, giảm 0,41 điểm phần trăm so với quý trước. Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý này là 2,91%, giảm 0,78 điểm phần trăm so với quý trước. Có được thành tựu này là do những tháng cuối năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tổ chức nhiều hoạt động giao dịch kết nối cung – cầu lao động, việc làm theo các hình thức tuyển dụng trực tiếp và trực tuyến thu hút đông đảo người lao động từ lao động phổ thông, có tay nghề đến lao động có trình độ, tay nghề cao. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lên đến hàng ngàn lao động để thực hiện các đơn hàng sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm từ các thị trường trong và ngoài nước, phục vụ các hoạt động giao thương trong dịp cuối năm và một phần mở rộng sản xuất kinh doanh[21].
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý IV năm nay[22] là khoảng 77,8 nghìn người, giảm 218,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó chiếm đa số là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 72,6% tổng số lao động nghỉ giãn việc), chủ yếu ở ngành da giày (chiếm 45,7%), tiếp theo là dệt may (chiếm 25,1%).
Số lao động bị mất việc trong quý IV năm 2023 là 85,5 nghìn người, giảm 32,9 nghìn người so với quý trước và giảm 32,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước với 75,2% và chủ yếu tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 28,1 nghìn người).
Xem thêm : Tình duyên Bính Dần : Nam 1986 nên lấy vợ tuổi gì hợp nhất ?
So với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) và tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo giảm.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý IV năm 2023 là 7,62%, giảm 0,24 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,20%, cao hơn 3,91 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. So với quý trước, tỷ lệ này giảm ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn, tương ứng giảm 0,15 và 0,31 điểm phần trăm.
Số thanh niên (người từ 15-24 tuổi) thất nghiệp năm 2023 là khoảng 437,3 nghìn người, chiếm 41,3% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2023 là 7,63%, giảm 0,15 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,91%, tăng 0,09 điểm phần trăm so với năm trước.
Trong quý IV năm 2023, cả nước có gần 1,5 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11,5% tổng số thanh niên), giảm 72,9 nghìn người so với quý trước và giảm 19,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị, 12,8% so với 9,5% và ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên, 13,3% so với 9,8%. So với quý trước, tỷ lệ này giảm cả ở khu vực thành thị, nông thôn và cả hai giới nam và nữ (tương ứng giảm 0,3; 0,7; 0,6 và 0,6 điểm phần trăm).
6. Lao động không sử dụng hết tiềm năng
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng[23] là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế – xã hội.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Giai đoạn quý I năm 2020 đến quý II năm 2022, tỷ lệ này mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III năm 2021 sau đó giảm dần và duy trì tại mức 4,2%. Tại thời điểm quý IV năm 2023, tỷ lệ này là 4,2% (tương ứng hơn 2,2 triệu người).
Hình 13: Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng theo quý, giai đoạn 2020-2023 (%)
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý IV năm 2023 của khu vực thành thị là 4,2% (giảm 0,3 điểm phần trăm so với quý trước) và khu vực nông thôn là 4,3% (tăng 0,2 điểm so với quý trước). Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (49,3%) cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động (33,0%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.
Hình 14: Cơ cấu tuổi của lực lượng lao động và lao động không sử dụng hết tiềm năng, quý IV năm 2023 (%)
Tính chung cả năm 2023, số lao động không sử dụng hết tiềm năng là 2,3 triệu người, giảm gần 0,3 triệu người so với năm trước. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng 2023 là 4,3%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022. Tỷ lệ này ở của khu vực thành thị và khu vực nông thôn là 4,3%.
7. Lao động làm công việc tự sản tự tiêu
Từ quý III năm 2021 trở lại đây, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu liên tục giảm dần qua các quý. Tại thời điểm quý IV năm 2023, con số này là 3,5 triệu người, tiếp tục giảm 262,8 nghìn người so với quý trước và giảm gần 0,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước, số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn. Gần hai phần ba số người sản xuất sản phẩm tự sản tự tiêu quý IV năm 2023 là nữ giới (chiếm 64,1%). Trong tổng số 3,5 triệu lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có khoảng 1,5 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 44,9%). Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái và thiếu tính ổn định, cơ hội để nhóm lao động này tìm kiếm được công việc tốt là rất khó khăn.
Hình 15: Lao động làm công việc tự sản tự tiêu các quý, giai đoạn 2020 – 2023
Triệu người
Tính cả năm 2023, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu là 3,8 triệu người, giảm 0,5 triệu người so với năm 2022. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 88,8%).
Gần 2/3 số lao động tự sản tự tiêu là nữ giới (chiếm 63,2%). Số lao động nữ giới làm công việc tự sản tự tiêu năm 2023 giảm gần 300 nghìn người so với năm trước. Trong tổng số 3,8 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có khoảng gần 1,9 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 49,1%).
[1] UNDESA (tháng 10/2023), “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới: Báo cáo tóm tắt tháng 10 năm 2023, Số 176”, https://www.un.org/development/desa/dpad/publication/world-economic-situation-and-prospects-october-2023-briefing-no-176/, truy cập ngày 21/12/2023.
[2] Theo số liệu cập nhật từ trang web data.un.org, năm 2023 dân số của In-đô-nê-xi-a là 278,8 triệu người; Phi-li-pin là 112,9 triệu người.
[3] Kết quả sơ bộ Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2023.
[4] Tổng tỷ suất sinh (TFR) là số con đã sinh ra sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ (15-49 tuổi), nếu người phụ nữ đó trong suốt thời kỳ sinh đẻ trải qua Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi (ASFR) như quan sát được trong thời kỳ nghiên cứu, thường là 12 tháng trước thời điểm điều tra.
[5] https://2023-wpds.prb.org/wp-content/uploads/2023/12/2023-World-Population-Data-Sheet-Booklet.pdf: Timo-Lét-xtê (3,0 con/phụ nữ), Cam-pu-chia (2,7 con/phụ nữ), Lào (2,5 con/phụ nữ), Mi-an-ma (2,4 con/phụ nữ), In-đô-nê-xi-a (2,2 con/phụ nữ).
[6] Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) được xác định bằng số bé trai trên 100 bé gái được sinh ra trong một thời kỳ nghiên cứu, thường là 12 tháng trước thời điểm điều tra.
[7] Theo Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
[8] Tỷ suất chết thô (CDR) cho biết cứ 1000 người dân, có bao nhiêu bị chết trong thời kỳ nghiên cứu thường là 12 tháng trước thời điểm điều tra.
[9] https://2023-wpds.prb.org/wp-content/uploads/2023/12/2023-World-Population-Data-Sheet-Booklet.pdf
[10] Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) là số đo mức độ chết của trẻ em trong năm đầu tiên của cuộc sống. Tỷ suất này được định nghĩa là số trẻ em dưới 1 tuổi chết tính bình quân trên 1000 trẻ em sinh ra sống trong thời kỳ nghiên cứu, thường là 12 tháng trước thời điểm điều tra.
[11] https://2023-wpds.prb.org/wp-content/uploads/2023/12/2023-World-Population-Data-Sheet-Booklet.pdf: IMR của thế giới là 29 trẻ em dưới 1 tuổi tử vong trên 1000 trẻ sinh sống và của Châu Á là 24 trẻ em dưới 1 tuổi tử vong trên 1000 trẻ sinh sống.
[12] Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) là số trẻ em dưới 5 tuổi chết tính bình quân trên 1000 trẻ em sinh ra sống trong thời kỳ nghiên cứu, thường là 12 tháng trước thời điểm điều tra.
[13] Lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong khu vực hộ nông lâm nghiệp và thủy sản) là những người có việc làm và thuộc một trong các trường hợp sau: (i) lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức (iii) người làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (iv) lao động trong khu vực hộ nông nghiệp.
[14] Người thiếu việc làm là những người làm việc thực tế dưới 35 giờ một tuần, mong muốn và sẵn sàng làm thêm giờ.
[15] Cụ thể như: (i) Các chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm (trợ cấp thất nghiệp cho người lao động mất việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ đóng BHYT cho người lao động từ Quỹ BHTN…); (ii) Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc là từ Quỹ quốc gia về việc làm; (iii) Hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động; (iv) Tăng cường hoạt động kết nối cung – cầu lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, kết nối trực tuyến liên tỉnh, liên vùng và (v) các chính sách hỗ trợ đảm bảo ASXH cho người lao động khác.
[16] Trong 03 tháng đầu năm 2023, doanh số cho vay đạt 2.194,7 tỷ đồng; cho vay 37.839 dự án, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 62.028 lao động.
[17] Theo quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019, trong độ tuổi lao động bao gồm: nam từ 15 đến 59 và nữ từ 15 đến 54 (từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 4 tháng (năm 2021); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 6 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 8 tháng (năm 2022); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 9 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 56 tuổi (năm 2023).
[18] Năm 2021, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%, ở khu vực nông thôn là 2,96%. Năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 1,65%, ở khu vực nông thôn là 2,80%. Năm 2019, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 0,72%, ở khu vực nông thôn là 1,62%.
[19] Người thất nghiệp là người từ đủ 15 tuổi trở lên mà trong thời kỳ tham chiếu có đầy đủ cả 03 yếu tố: Hiện không làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ phần trăm giữa số người thất nghiệp so với lực lượng lao động.
[20] https://nhandan.vn/lao-dong-cuoi-nam-hut-viec-post787618.html.
[21] https://baotintuc.vn/xa-hoi/soi-dong-thi-truong-lao-dong-cuoi-nam-20231216064927636.htm.
[22] Số liệu quý IV năm 2023 tổng hợp từ ngày 1/10/2023 đến 15/12/2023.
[23] Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.
Nguồn: https://leplateau.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục